Tổng thống Gjorge Ivanov: EU đã đối xử không công bằng với Macedonia

Tổng thống Gjorge Ivanov: EU đã đối xử "bất công" với Macedonia

Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov đã chỉ trích Liên minh châu Âu "bất công" sau cuộc trưng cầu ý dân đổi tên của nước này, vốn là một điều kiện để Macedonia gia nhập EU và NATO.
Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov phát biểu tại Khóa họp 73 Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ ngày 27/9/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 4/10, Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov đã chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) "bất công" sau cuộc trưng cầu ý dân đổi tên của nước này, vốn là một điều kiện để Macedonia gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sau cuộc gặp người đồng cấp Séc Milos Zeman trong khuôn khổ chuyến thăm Praha, Tổng thống Ivanov nói: "Thực tế là chúng tôi đã có một cuộc trưng cầu dân ý thất bại," đồng thời chỉ trích EU áp đặt tiêu chuẩn kép. Theo ông, các quốc gia khác có các mối quan hệ song phương chưa được giải quyết đã trở thành thành viên của EU, ví dụ như Slovenia và Croatia. Ông còn phân tích: "Họ đã được phép gia nhập EU, trong khi Macedonia thậm chí còn không được bắt đầu đàm phán gia nhập. Cho đến nay, EU đã đối xử không công bằng với Macedonia."

[Phản ứng của EU, NATO về kết quả trưng cầu ý dân của Macedonia]

Hôm 30/9, hơn 90% cử tri Macedonia đi bỏ phiếu đã ủng hộ việc đổi tên nước này thành Bắc Macedonia, song kết quả này không có hiệu lực do tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu thấp.

Trước đó, Tổng thống Gjorge Ivanov cũng đã kêu gọi cử tri tẩy chay cuộc trưng cầu ý dân này. Hồi tháng 6, ông Ivanov đã từ chối ký thỏa thuận về đổi tên của nước này, cho rằng đây là một hành động vi hiến.

Tranh cãi về tên nước giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát từ năm 1991, khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên hợp quốc với tên gọi là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia (FYROM). Tuy nhiên, Hy Lạp, một thành viên của EU và NATO, đã ngăn cản tiến trình gia nhập của Macedonia xuất phát từ tranh cãi liên quan tên gọi Macedonia trùng với một tỉnh miền Bắc Hy Lạp. Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng.

Theo thỏa thuận mà Macedonia và Hy Lạp ký tháng 6 vừa qua, Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia, và Hy Lạp sẽ ngừng phản đối nước láng giềng phía Bắc gia nhập EU và NATO. Tuy nhiên, thỏa thuận đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của những phe phái theo đường lối cứng rắn ở cả hai nước vì bên nào cũng cho rằng thỏa thuận trên là một sự nhượng bộ quá mức đối với phía bên kia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục