Macedonia tổ chức trưng cầu ý dân về việc đổi tên nước

Ngày 30/9, người dân Macedonia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia, mở đường cho nước này gia nhập NATO và EU.
Macedonia tổ chức trưng cầu ý dân về việc đổi tên nước ảnh 1Người dân Macedonia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia, ngày 30/9. (Nguồn: AP)

Ngày 30/9, người dân Macedonia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia, mở đường cho việc nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) thông qua việc thực hiện thỏa thuận đạt được với Hy Lạp mới đây liên quan tranh cãi về vấn đề tên nước.

Hy Lạp cũng có một tỉnh ở miền Bắc mang tên Macedonia. Tranh cãi bùng phát từ năm 1991 khi Macedonia tách khỏi Cộng hòa Nam Tư. Hy Lạp cho rằng sự trùng tên này có thể dẫn đến tranh chấp lãnh thổ, vì vậy quốc gia thành viên EU và NATO này phủ quyết việc Macedonia gia nhập hai tổ chức này. Theo đó, Macedonia gia nhập Liên hợp quốc với tên gọi tạm thời là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia (FYROM).

[Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Macedonia, ủng hộ đổi tên nước]

Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 6 vừa qua, Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia, đồng thời Hy Lạp sẽ chấm dứt phản đối nước láng giềng phía Bắc gia nhập EU và NATO. Macedonia phải sửa đổi Hiến pháp để đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận cũng như phải tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc này.

Để cuộc trưng cầu có hiệu lực, số cử tri tham gia bỏ phiếu phải đạt ít nhất 50% và đa số phải ủng hộ việc đổi tên nước. Tuy nhiên, cho dù nhận được sự ủng hộ của cử tri Macedonia trong cuộc trưng cầu ý dân này, thỏa thuận nói trên giữa hai nước cần phải trải qua một loạt quy trình khác để chính thức có hiệu lực, bao gồm việc Quốc hội Macedonia thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp và Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipas phê chuẩn.

Tiến trình này được dự báo khá khó khăn khi thỏa thuận vấp phải sự phản đối kịch liệt của phái cứng rắn ở cả hai nước do bên nào cũng cho rằng thỏa thuận là một sự nhượng bộ quá mức với phía bên kia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.