Tổng thống Hollande nỗ lực khôi phục niềm tin của người dân Pháp

Tổng thống Hollande khẳng định tình hình kinh tế Pháp sẽ được cải thiện trong năm 2015 và chính phủ quyết tâm theo đuổi đường lối của mình nhằm tăng thêm sức mạnh cho nền kinh tế.
Tổng thống Hollande nỗ lực khôi phục niềm tin của người dân Pháp ảnh 1Tổng thống Pháp là khách mời của đài phát thanh France Inter trong chương trình sáng 5/1. (Nguồn: Báo Libération)

Mặc dù tình trạng gia tăng thất nghiệp chưa thể đảo ngược nhưng tình hình kinh tế Pháp sẽ được cải thiện trong năm 2015, tăng trưởng đạt khoảng 1% trong các năm 2015 và 2016 sẽ cho phép tạo ra nhiều công việc ổn định lâu dài, chính phủ quyết tâm theo đuổi đường lối của mình nhằm tăng thêm sức mạnh cho nền kinh tế.

Đó là nội dung chính của bài phát biểu và trao đổi trực tiếp với báo chí và người dân của Tổng thống Pháp François Hollande trên đài phát thanh France Inter sáng ngày 5/1.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, năm ngày sau khi đọc diễn văn chúc mừng Năm mới 2015 gửi tới toàn thể người dân Pháp vào ngày 31/12, Tổng thống Pháp François Hollande đã có bài phát biểu và trao đổi dài 2 giờ trên đài phát thanh France Inter, đề cập đến những hồ sơ ''nóng'' của nước Pháp đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Theo báo chí Pháp, đây là một trong những nỗ lực của Tổng thống Hollande nhằm tái chinh phục niềm tin của người dân Pháp thông qua các phương tiện truyền thông.

Tổng thống Hollande cho rằng tình hình thất nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng việc đà tăng thất nghiệp chưa thể đảo chiều cũng có phần trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng tình trạng này sẽ được giải quyết vào cuối nhiệm kỳ của mình khi các chính sách của chính phủ phát huy hiệu quả.

Ông cũng cho rằng nền kinh tế Pháp sẽ được cải thiện trong năm 2015 nhờ nhiều chính sách trong đó 2 đòn bẩy là "Thỏa ước trách nhiệm" và luật Macron.

"Thỏa ước trách nhiệm" được công bố vào đầu năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 chủ trương giảm trách nhiệm an sinh xã hội và tăng thêm quyền cho giới chủ để đổi lại việc doanh nghiệp tăng tuyển dụng người lao động.

Luật Macron mang tên Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron gồm 106 biện pháp được cho là sẽ "cởi trói" cho nền kinh tế Pháp, khai thông những khúc mắc gây tắc nghẽn cho các hoạt động kinh tế và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Theo Tổng thống Pháp, Luật Macron được Quốc hội thảo luận vào ngày 26/1 sắp tới, là một bộ luật của tiến bộ và tự do.

Ông cũng đồng thời khẳng định tiếp tục theo đuổi chính sách cánh tả trong đó trọng tâm là tạo ra sức mạnh cho nền kinh tế và không xem xét lại mô hình xã hội.

Đây là cách ông trả lời những chỉ trích thời gian qua của phe đối lập và một bộ phận cứng rắn của cánh tả nhằm vào ông và Đảng Xã hội cầm quyền về những chính sách kinh tế-xã hội mà họ cho là đã làm "đổi màu tư tưởng xã hội" của Đảng, dẫn đến sự mất phương hướng trong đường lối chính trị.

Về việc Mặt trận Quốc gia (FN) đang mạnh lên và giành chiến thắng tại nhiều cuộc bầu cử, ông cho rằng không nên để các lực lượng chia rẽ thắng thế, cần phải đẩy mạnh phát triển kinh tế và giữ vững tinh thần để có thể tập hợp được quần chúng.

Về các vấn đề đối ngoại, ông khẳng định mục tiêu chung mà Pháp và Đức cùng theo đuổi đó là xây dựng châu Âu mạnh, đoàn kết, năng động trong các chính sách tăng trưởng. Ông cũng cho rằng Hy Lạp được toàn quyền quyết định số phận của mình trong việc rời bỏ hay ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu, nhưng Hy Lạp phải tôn trọng các cam kết của mình.

Ông cũng cho biết nước Pháp sẽ không can thiệp quân sự tại Libya vì đây là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhưng lấy làm tiếc là cộng đồng quốc tế đã không tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria vào năm 2013.

Tổng thống Hollande thừa nhận nước Pháp đang trải qua một cuộc khủng hoảng bản sắc nghiêm trọng và kéo dài, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nước Pháp "không còn là một quốc gia" và "phải đóng cửa với bên ngoài."

Ông muốn ám chỉ sự lo ngại quá mức về việc nước Pháp đang bị "Hồi giáo hóa." Ông khẳng định nước Pháp cần phải tiến lên và phải tỏ ra vững vàng để vượt qua mọi thử thách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.