Trong bối cảnh mối quan hệ với chính quyền Mỹ đang ngày càng căng thẳng do việc Washington quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đang phải chịu áp lực từ các thành viên cứng rắn trong chính phủ muốn cải tổ nội các.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong một bài đăng trên Twitter ngày 31/7, người phát ngôn của chính phủ Iran ông Mohammad Bagher Nobakht đã thông báo quyết định từ chức do chịu áp lực quá lớn từ nhiều thành viên trong chính phủ.
Tổng thống Rouhani đã phê chuẩn quyết định này và trong thời gian tới, ông Nobakht sẽ tập trung vào nhiệm vụ lãnh đạo Tổ chức Quản lý và lập kế hoạch của Iran.
Tổng thống Rouhani, một chính trị gia theo đường lối ôn hòa, đã thành công trong nỗ lực giảm căng thẳng với phương Tây thông qua việc đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với các cường quốc thế giới vào năm 2015.
[Không "xuống nước" trước Mỹ, Iran hướng đến Nga hay Trung Quốc?]
Tuy nhiên, sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm siết chặt nền kinh tế của Iran, nhà lãnh đạo này hiện đang phải đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội từ nhiều thành viên trong chính phủ.
Các chính trị gia theo đường lối cứng rắn buộc Tổng thống Rouhani phải cải tổ đội ngũ tư vấn kinh tế nhằm bảo vệ nền kinh tế tốt hơn trước những động thái của Mỹ và xoa dịu sự bất mãn của người dân.
Tuần trước, Tổng thống Rouhani đã phải bổ nhiệm một thống đốc ngân hàng trung ương mới với nhiệm vụ chấm dứt tình trạng đồng nội tệ rial lao dốc.
Giá trị đồng rial đã giảm sâu so với đồng USD hôm 30/7 với tỷ giá khoảng 120.000 rial đổi 1 USD.
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Iran, đồng rial phục hồi nhẹ trong ngày 31/7, lên mức 110.000 rial/1 USD tại chợ đen.
Phó Tổng thống Iran Eshagh Jahangiri cho biết chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ công bố một kế hoạch kinh tế mới vào cuối tuần này nhằm đối phó với các lệnh cấm vận của Mỹ và sự mất giá của đồng rial.
Tháng 5/2018, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký với các cường quốc trong nhóm P5+1, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), và khôi phục các biện pháp trừng phạt rộng rãi nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này, trong đó có các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại các thể chế tài chính của những nước thứ ba giao dịch với Tehran.
Theo kế hoạch, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ chính thức khôi phục từ ngày 6/8 đối với hoạt động thương mại trong lĩnh vực ôtô và kim loại, và ngày 4/11 đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch ngân hàng.
Hiện Iran cùng các nước còn lại tham gia ký kết JCPOA (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đang tìm cách duy trì thỏa thuận hạt nhân này cũng như hạn chế những tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ./.