Ngày 3/1, Tổng thống Iraq Barham Saleh kêu gọi kiềm chế sau cuộc không kích của Mỹ gần sân bay quốc tế tại Baghdad làm Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani, và ông Abu Mahdi al-Muhandis, Phó Chỉ huy Lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi ở Iraq, thiệt mạng sáng sớm cùng ngày.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Saleh mô tả cuộc không kích trên là một "hành động hiếu chiến" và cho rằng Iraq sẽ bất ổn nếu "lý lẽ không được ưu tiên." Ông hối thúc các bên liên quan kiềm chế.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Iraq Hassan al-Kaabi cho biết sẽ tổ chức một phiên họp khẩn vào ngày 4/1 để thảo luận cuộc không kích của Mỹ.
[Mỹ toan tính gì khi thực hiện không kích sát hại tướng Iran Soleimani]
Ông al-Kaabi khẳng định đã đến lúc phải kết thúc "sự ngạo mạn và liều lĩnh" của Mỹ. Theo ông, phiên họp tới sẽ "đưa ra các quyết định quan trọng nhằm chấm dứt sự hiện diện của Mỹ tại Iraq."
Trước đó, Thủ tướng Abdul-Mahdi đã kêu gọi Quốc hội Iraq họp khẩn, đồng thời cho rằng sự hiện diện của Mỹ tại nước này nên giới hạn ở việc huấn luyện các lực lượng Iraq chống khủng bố.
Ông Abdul-Mahdi cũng mô tả cuộc tấn công của Mỹ tại Baghdad là hành động "vi phạm" các điều kiện cho binh lính Mỹ đồn trú tại Iraq.
Tại Iran, hàng nghìn người đã tụ tập ở thủ đô Tehran phản đối "hành động tội phạm" của Mỹ. Người biểu tình mang theo di ảnh của Tướng Soleimani.
Tiếp phản ứng của quốc tế, ngày 3/1, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết đang giám sát chặt chẽ tình hình tại Iraq nhằm đảm bảo an toàn của phái bộ huấn luyện của NATO tại đây.
Người phát ngôn NATO Dylan White cho biết "theo đề nghị của Chính phủ Iraq," tổ chức này hiện đang duy trì sự hiện diện hạn chế tại Iraq để huấn luyện các lực lượng an ninh của chính phủ và liên minh này không can dự vào cuộc tấn công của Mỹ sáng nay.
Phát biểu với báo giới, ông White nói: "Sự an toàn của các quân nhân chúng tôi tại Iraq là quan trọng nhất. Chúng tôi tiếp tục áp dụng mọi biện pháp cẩn trọng cần thiết."
Cùng ngày, Đức kêu gọi các bên "thận trọng" và "giảm căng thẳng" sau cuộc không kích của Mỹ.
Người phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel cho biết: "Chúng ta đang ở một điểm leo thang căng thẳng. Điều quan trọng hiện giờ là giảm leo thang bằng cách kiềm chế và thận trọng."
Về phần mình, Bộ trưởng châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin nhận định: "Chúng ta đang tiến đến một thế giới nguy hiểm hơn."
Phát biểu trên Đài Phát thành Pháp, bà Montchalin kêu gọi "giảm căng thẳng". Bà khẳng định: "Tất cả các nỗ lực của Pháp ở mọi nơi trên thế giới đều nhằm đảm bảo rằng chúng ta tạo ra các điều kiện cho hòa bình và ít nhất là sự ổn định. Vai trò của chúng ta là không đứng về bên nào, mà đối thoại với mọi người."
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng kêu gọi các bên giảm căng thẳng, đồng thời khẳng định: "Xung đột leo thang không có ích lợi gì cho chúng ta"./.