Tổng thống Joe Biden lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ năm 2023

Tổng thống Mỹ Biden cho rằng các khoản đầu tư trị giá 3.500 tỷ USD dành cho sản xuất và công nghệ trong thập kỷ tới sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và củng cố triển vọng với các công ty, người lao động Mỹ.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 22/12/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định nền kinh tế nước này đang chứng kiến “những điểm rất sáng” sau một thời gian chật vật đồng thời nhấn mạnh kinh tế Mỹ hướng tới “trạng thái bình ổn mới,” ám chỉ tốc độ tăng trưởng chậm lại nhưng ổn định.

Mặc dù các nhà đầu tư và nhiều chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp từng cảnh báo về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2023 nhưng chính quyền Tổng thống Biden vẫn đánh giá điều này khó có thể xảy ra, một phần nhờ kế hoạch chi tiêu liên bang.

Phát biểu với các thành viên nội các, Tổng thống Biden cho rằng các khoản đầu tư công và tư trị giá 3.500 tỷ USD dành cho sản xuất và công nghệ trong thập kỷ tới sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và củng cố triển vọng đối với các công ty và người lao động Mỹ.

Tổng thống Biden nêu rõ đây không phải là vấn đề đạt được một điểm cân bằng mà là một trạng thái bình ổn mới về tổng thể.

Ông Biden cũng lưu ý rằng Mỹ là nước duy nhất trên thế giới vượt qua khủng hoảng với kết quả tốt hơn cả trước khi lâm vào khủng hoảng và viện dẫn những số liệu mới đây cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt, tăng trưởng kinh tế vững chắc và thị trường lao động được củng cố hơn.

Tuy nhiên, theo ông Biden, vẫn cần phải triển khai các kế hoạch chi tiêu liên bang lên tới hàng trăm tỷ USD có được trong 3 luật chủ chốt được thông qua năm 2022.

Tổng thống Biden cũng ca ngợi dữ liệu mới nhất của chính phủ cho thấy tăng trưởng việc làm vững chắc vào tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm là “thông tin tuyệt vời” và là minh chứng cho các chính sách kinh tế của ông.

Theo Bộ Lao động Mỹ, số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng 223.000 trong tháng 12, đạt mức tăng gần kỷ lục trong năm.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 3,5%, khớp với mức thấp nhất trong 5 thập kỷ, khi tỷ lệ tham gia tăng lên.

Nhưng báo cáo cũng cho thấy mức tăng lương đang hạ nhiệt, vì thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,3% so với một tháng trước đó và 4,6% so với tháng 12 năm 2021.

Đó có thể là tin vui đối với Cục Dự trữ Liên bang (Fed), vốn đã coi áp lực tiền lương là một thách thức để đạt được mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 2%.

[Gần 70% các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Mỹ suy thoái nhẹ trong 2023]

Ông Biden cũng thừa nhận lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu cho chính quyền của mình.

“Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để giảm lạm phát và giúp đỡ các gia đình Mỹ đang cảm thấy chi phí sinh hoạt bị siết chặt. Nhưng chúng tôi đang đi đúng hướng,” ông nói.

Theo mô hình dự báo của Fed chi nhánh Atlanta, kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,8% trong quý 4/2022 trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,1% trong tháng 11/2022.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Hollywood, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không chỉ mình ông Biden lạc quan về nền kinh tế Mỹ. Ngày 1/1 vừa qua, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng Mỹ có thể tránh được kịch bản suy thoái toàn diện có thể kéo theo tác động tới 1/3 các nền kinh tế trên thế giới.

James Bullard, lãnh đạo Fed chi nhánh St. Louis, ngày 5/1, nhận định nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái đã giảm trong vài tuần gần đây. Nếu tránh được suy thoái, kinh tế Mỹ có thể sẽ tăng trưởng nhẹ, như ước tính của Fed là 0,5% trong năm 2023.

Tổng thống Biden cũng đánh giá cao các kế hoạch của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, cho phép thi hành luật chống độc quyền, cấm các công ty yêu cầu người lao động phải ký kết những hợp đồng thiếu công bằng và phải trả phí đào tạo để ngăn người lao động tìm cơ hội việc làm tốt hơn. 

Ông Biden bày tỏ tin tưởng vào viễn cảnh khi cho rằng Mỹ đang trong quá trình thực hiện những việc đầu tiên cần làm và sẽ đạt tiến triển.

Tổng thống Biden đưa ra những nhận định lạc quan về nền kinh tế trong bối cảnh các chỉ số chính của chứng khoán Phố Wall giảm hơn 1% khi kết thúc phiên giao dịch ngày 5/1 do những tín hiệu ít khả quan trên thị trường lao động làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư rằng Fed có thể sớm tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục