Theo trang mạng insideover.com, việc mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên lẽ ra là một trong các thành tựu hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Ông đã làm bất kỳ điều gì có thể để cố gắng đạt được hòa bình với Triều Tiên, cũng như tiến hành các bước đi chưa từng có tiền lệ mà chưa một người tiền nhiệm nào từng nghĩ tới.
Lấy ví dụ, ông đã có bước đi mang tính biểu tượng khi tiến vào lãnh thổ Triều Tiên để bắt tay với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Hòa bình vẫn rất xa vời
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra, hiện ngày càng khó có khả năng Trump có thể tuyên bố dõng dạc trước các cử tri rằng ông đã trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Thay vì thu hẹp chương trình hạt nhân, CNN đưa tin Triều Tiên đã tiến hành hoạt động tại một cơ sở chưa được tuyên bố mà các nhà nghiên cứu nghi là được sử dụng để xây dựng các vũ khí hạt nhân.
Tiến trình hòa bình “giậm chân tại chỗ”
Tiến trình hòa bình cũng rơi vào bế tắc. Stephen Biegun, đặc phái viên của Washington về vấn đề Triều Tiên, trong chuyến thăm Hàn Quốc đã nói rằng Mỹ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc với Bình Nhưỡng, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ nối lại các cuộc đàm phán một lần nữa trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.
Trong khi đó, Kim Jong-un lại ít xuất hiện trước công chúng hơn thường lệ. Ngày 8/7, có tin cho biết ông đã tới cung Thái dương Kumsusan để dự lễ kỷ niệm 26 năm ngày mất của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Nhà lãnh đạo Triều Tiên mới đây cũng từ chối gặp gỡ nhà lãnh đạo Mỹ một lần nữa.
[Mỹ tái khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên]
Tuy nhiên, sự chú ý của Trump trong toàn bộ nhiệm kỳ đã bị phân tán bởi một chế độ độc tài khác tại châu Á - đó là Trung Quốc. Tổng thống Trump đã kích động cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng qua với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sự kiện đã kết thúc bằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung vào tháng 1/2020.
Tuy nhiên, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã kích động một tranh cãi khác giữa hai bên.
Trump không thể đạt được cả hai thành tựu
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần qua đã nói bóng gió rằng Mỹ phải áp dụng cách tiếp cận khác với Bắc Kinh, điều trái ngược với những gì các chính quyền trước từng làm để mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc với thế giới.
Mặc dù không công bố chi tiết những gì tổng thống Mỹ muốn làm với Bắc Kinh, nhưng Ngoại trưởng Pompeo nói rằng chính quyền Trump đang cân nhắc cấm các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc như Tik Tok.
Thông tin này được Trump xác nhận một lần nữa hôm 9/7 như một phần của các biện pháp mà chính quyền ông sẽ thực hiện để trừng phạt Trung Quốc vì cách hành xử trong đại dịch COVID-19.
Vấn đề với cách tiếp cận kép của chính quyền Trump trong việc đối phó với Trung Quốc trong khi cố gắng chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên đó là tổng thống Mỹ cần sự can thiệp của Trung Quốc vào tiến trình hòa bình Triều Tiên để đảm bảo thành công.
Trừ phi căng thẳng Mỹ-Trung có thể chấm dứt một cách hòa bình, sẽ rất khó để chính quyền Trump đòi hỏi Bắc Kinh giúp đỡ họ tại Triều Tiên theo một cách có ý nghĩa.
Trump cần Trung Quốc “kề bên” nếu ông muốn hòa bình tại Triều Tiên
Victor Cha, cựu Giám đốc phụ trách vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia từ năm 2004-2007, cũng tin rằng Trump cần Trung Quốc để khôi phục hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nếu Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác hơn nữa trong vấn đề này, khi đó, chính quyền Trump có thể thuyết phục Tập Cận Bình chấm dứt viện trợ của Trung Quốc cho Bình Nhưỡng cho đến khi họ cắt giảm chương trình hạt nhân.
Bắc Kinh cũng nên được thuyết phục trừng phạt các cá nhân Trung Quốc có giao dịch tại Triều Tiên. Lấy ví dụ, Mỹ đã trừng phạt 4 công dân Trung Quốc đã tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ hồi tháng 9/2016. Sự thật đơn giản ở đây là Trump không thể đạt được thành tựu cả trong vấn đề Trung Quốc và Triều Tiên. Bình Nhưỡng không nhận được sự khích lệ nào để chấm dứt chương trình hạt nhân, trong khi Washington vẫn tiếp tục triển khai các lệnh trừng phạt chống lại họ. Tiến trình hòa bình cần thêm “cây gậy,” và chỉ Trung Quốc mới có thể đem lại “cây gậy” đó bởi các khoản viện trợ của Trung Quốc cho Triều Tiên giúp duy trì chế độ của Kim Jong-un.
Giờ đây, tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục là vấn đề chưa thể giải quyết và sẽ ám ảnh các tổng thống Mỹ trong tương lai./.