Tổng thống Mỹ thừa nhận không dễ đem lại hòa bình cho Trung Đông

Tổng thống Mỹ Donald Trump "bắt đầu tin" có lẽ thỏa thuận hòa bình Trung Đông giữa Israle và Palestine là thỏa thuận khó đạt được nhất.
Tổng thống Mỹ thừa nhận không dễ đem lại hòa bình cho Trung Đông ảnh 1Xung đột giữa người biểu tình Palestine và quân đội Israel ở khu vực biên giới Dải Gaza-Israel. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo hãng tin Pháp AFP, ngày 6/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận việc đem lại hòa bình cho Trung Đông có lẽ khó hơn ông từng nghĩ.

Ông Trump đưa ra phát biểu trên trong một cuộc họp qua điện thoại với một số lãnh đạo Do Thái giáo và Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman nhân dịp năm mới của người Do Thái.

Hồi tháng 5/2017, ông Trump nói rằng việc thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine có lẽ “không khó như người ta tưởng trong nhiều năm qua.” Tuy nhiên, trong phát biểu ngày 6/9, ông Trump thừa nhận có thể ông đã sai khi nhận định như vậy và ông "bắt đầu tin" có lẽ thỏa thuận hòa bình giữa Israle và Palestine là thỏa thuận khó đạt được nhất.

[Mỹ sẵn sàng cho kế hoạch hòa bình giải quyết xung đột Israel-Palestine]

Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhấn mạnh Mỹ sẽ nỗ lực đem lại hòa bình cho khu vực bất ổn này, đồng thời khẳng định phái đoàn của Mỹ tới Trung Đông do Cố vấn cấp cao về Trung Đông Jared Kushner - đồng thời là con rể của ông Trump - dẫn đầu đã “đạt tiến triển.”

Cũng trong cuộc họp trên, ông Trump cho biết Mỹ sẽ tạm dừng viện trợ cho Palestine cho đến khi chính quyền Palestine ngồi vào bàn đàm phán. Mới đây, chính quyền Washington quyết định cắt tài trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) và rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với lý do cơ quan này có xu hướng chống Israel.

Chính phủ Mỹ cũng chấm dứt khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho Palestine. Giới chuyên gia cảnh báo những động thái này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Trung Đông.

Tháng Năm vừa qua, Tổng thống Trump công bố quyết định gây tranh cãi, theo đó chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem, trong khi Palestine xác định khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.

Cuộc biểu tình của người Palestine bùng phát tại Dải Gaza vào ngày Mỹ khai trương Đại sứ quán tại Jerusalem (ngày 14/5). Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Israel đã khiến ít nhất 60 người Palestine thiệt mạng, phần lớn do trúng đạn của binh sĩ Isarel, và hơn 2.700 người khác bị thương.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 6/9, Paraguay cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở Đại sứ quán tại thủ đô Asuncion của nước Nam Mỹ này.

Động thái trên diễn ra sau khi chính quyền của Tổng thống Paraguay Mario Abdo ngày 5/9 thông báo sẽ chuyển Đại sứ quán nước này tại Israel từ Jerusalem trở lại Tel Aviv, đảo ngược quyết định do chính quyền của người tiền nhiệm Horacio Cartes đưa ra trước đó. Phản ứng đối với quyết định này của Paraguay, Israel tuyên bố đóng cửa đại sứ quán tại nước Nam Mỹ này.

Thổ Nhĩ Kỳ có một lãnh sự quán tại Asuncion và một lãnh sự quán tại thành phố Ciudad del Este của Paraguay.

Theo Ngoại trưởng Paraguay Luis Alberto Castiglioni, việc Thổ Nhĩ Kỳ mở Đại sứ quán tại Paraguay thể hiện sự ủng hộ của Ankara đối với lập trường của nước Nam Mỹ này về vấn đề Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.