Tổng thống Nga ký luật chấm dứt thỏa thuận tiêu hủy plutoni với Mỹ

Ngày 31/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn Luật Ngừng thỏa thuận Nga-Mỹ về tiêu hủy plutoni.
Tổng thống Nga ký luật chấm dứt thỏa thuận tiêu hủy plutoni với Mỹ ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Reuters)

Ngày 31/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn Luật Ngừng thỏa thuận Nga-Mỹ về tiêu hủy plutoni.

Ngoài các điều khoản thẳng thắn ngừng thực thi Thỏa thuận Nga-Mỹ về tiêu hủy plutoni, luật này còn đưa ra các điều kiện chỉ nối lại thỏa thuận, khi Mỹ buộc phải hủy bỏ đạo luật Magnitsky và tất cả các biện pháp trừng phạt chống Nga, cũng như bồi thường thiệt hại cho Nga.

Đồng thời, Washington phải cắt giảm cơ sở hạ tầng quân sự tại các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trước đó, dự luật này đã lần lượt được Duma quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông qua trong các ngày 19 và 26/10 vừa qua. Đạo luật có hiệu lực ngay trong ngày 31/10, sau khi được Tổng thống Putin ký ban hành.

Quan hệ giữa Nga và Mỹ xấu đi sau khi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria được nhất trí hồi tháng 9 vừa qua đổ vỡ.

Việc Nga phê chuẩn Luật ngừng thực hiện Thỏa thuận Nga-Mỹ về tiêu hủy plutoni là một trong những động thái ngoại giao đáp trả của Nga trước những "hành động thù địch từ phía Mỹ" và Washington không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận được ký từ tháng 8/2000 này.

Trước đó, Moskva và Washington bất đồng về cách xử lý các đầu đạn hạt nhân, khi Mỹ lựa chọn biện pháp giá rẻ - là trộn các nguyên liệu hạt nhân được chở tới từ Nga với các phụ gia đặc biệt.

Trong khi đó, Moskva phản đối vì cho rằng đây là hành động vi phạm thỏa thuận.

Các chuyên gia hạt nhân Nga cho biết theo đúng những điều khoản đã ký, Mỹ sẽ phải dùng lò phản ứng hạt nhân để chuyển hóa plutoni, điều chắc chắn khiến plutoni không thể tái sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.