Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu thăm chính thức Serbia

Trong chuyến thăm chính thức tới Serbia, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Aleksander Vucic nhằm thảo luận về triển vọng phát triển quan hệ song phương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu thăm chính thức Serbia ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: TASS)

Ngày 17/1, trong chuyến thăm chính thức tới Serbia, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Aleksander Vucic nhằm thảo luận về triển vọng phát triển quan hệ song phương.

Theo thông báo từ Điện Kremlin, lãnh đạo Nga và Serbia cũng sẽ thảo luận việc nối dài tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và tình hình xung quanh quốc gia Kosovo không được Serbia công nhận.

Kết thúc hội đàm, hai bên dự kiến sẽ ký kết khoảng 20 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, quốc phòng, nông nghiệp và du lịch.

Chuyến thăm của lãnh đạo Nga có ý nghĩa quan trọng đối với Serbia hiện nay trong vấn đề khí đốt.

[Gazprom được cấp phép xây dựng nhánh 2 Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ]

Theo tuyên bố trước chuyến thăm của Tổng thống A.Vucic, khí đốt Nga có giá rẻ nhất thế giới hiện nay, vì vậy khi tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được Nga xây dựng để cung cấp khí đốt cho Bulgaria, Serbia sẵn sàng đóng góp tài chính để kéo dài tiếp đường ống đến nước này.

Vấn đề quan trọng thứ hai là Kosovo. Cho dù lãnh đạo Serbia luôn cảm ơn Nga vì đã ủng hộ trong giải quyết vấn đề Kosovo, song giữa Moskva và Belgrade vẫn tồn tại bất đồng trong vấn đề này.

Tuy nhiên, nội dung chính trị của chuyến thăm này mới có ý nghĩa quan trọng. Giới quan sát chỉ ra rằng cuộc hội đàm song phương tại thủ đô Belgrade nhằm làm rõ quan điểm liệu Serbia có sẵn sàng trở thành đồng minh then chốt của Moskva hay không, hay sẽ tiếp tục xích lại gần Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Một vấn đề khác dự kiến cũng được thảo luận tại Belgrade ngày hôm nay là quy chế cho Trung tâm nhân đạo Nga-Serbia tại thành phố Niš, phía Đông-Nam Serbia.

Nga muốn nhân viên Trung tâm này được trao quy chế ngoại giao, trong khi Belgrade vẫn chưa nhất trí, lo ngại quan điểm phản đối từ phía Mỹ.

Hồi cuối năm 2018, Bộ Ngoại giao Serbia thông báo sẽ ký Kế hoạch đối tác riêng (IPAP) mới với NATO, dự kiến sau chuyến thăm của Tổng thống Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.