Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra các bước nhằm cứu vãn INF

Để hỗ trợ tìm kiếm một thỏa hiệp, Tổng thống Putin mời tất cả các bên quan tâm xem xét các lựa chọn cụ thể để kiểm chứng lẫn nhau nhằm loại bỏ các nghi ngờ hiện có.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra các bước nhằm cứu vãn INF ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp trực tuyến ở Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/10 đã ra tuyên bố về các bước bổ sung nhằm giảm leo thang cẳng thẳng ở châu Âu trong bối cảnh Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) hết hiệu lực.

Để hỗ trợ tìm kiếm một thỏa hiệp, Tổng thống Putin mời tất cả các bên quan tâm xem xét các lựa chọn cụ thể để kiểm chứng lẫn nhau nhằm loại bỏ các nghi ngờ hiện có. Nhà lãnh đạo Nga nói thêm: “Cụ thể, chúng tôi nói về các biện pháp kiểm tra liên quan đến các hệ thống Aegis Ashore sử dụng bệ phóng Mk 41 tại các căn cứ của Mỹ và NATO ở châu Âu, cũng như tên lửa 9М729 tại cơ sở Các Lực lượng vũ trang LB Nga ở tỉnh Kaliningrad”.

Mục đích của các biện pháp kiểm chứng là để xác nhận việc không có chúng trên mặt đất tại các cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh của INF, cũng như tên lửa 9M729 của Nga, mà sự hiện diện của chúng đã gây bất đồng giữa Moskva và Washington. Tổng thống Nga khẳng định nước này vẫn cam kết với lập trường nhất quán về việc tên lửa 9M729 tuân thủ đầy đủ các quy định trong INF.

[Tổng thống Putin quan ngại về cam kết của Mỹ với các thỏa thuận]

Tuy nhiên, Nga sẵn sàng với thiện chí tiếp tục không triển khai tên lửa 9M729 tại phần châu Âu của Nga, song chỉ với điều kiện có các bước có đi có lại của NATO.

Ngày 20/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã thông báo về kế hoạch của Nhà Trắng tăng số lượng tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu và châu Á ngang bằng với Nga và Trung Quốc.

Liên Xô và Mỹ đã ký INF tháng 12/1987. Hiệp ước cấm hai nước chế tạo và triển khai các tên lửa hành trình và đạn đạo tầm bắn trung bình (từ 1.000 đến 5.500km) và ngắn hơn (từ 500 đến 1.000 km). Tháng 2/2019, Mỹ cáo buộc Nga không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận và là nước đầu tiên bắt đầu thủ tục rút khỏi INF. Washington cho rằng tên lửa 9M729 của Nga vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận. Moskva bác bỏ cáo buộc này và bày tỏ sẵn sàng giới thiệu tên lửa gây ra các nghi vấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.