Tổng thống Pháp cải tổ nội các sau khi một loạt bộ trưởng từ chức

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải tiến hành cải tổ nội các sau sự ra đi của các nhân vật chủ chốt trong chính phủ do dính líu tới vụ bê bối sử dụng công quỹ sai mục đích.
Tổng thống Pháp cải tổ nội các sau khi một loạt bộ trưởng từ chức ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Pháp vừa từ nhiệm nhiệm Sylvie Goulard (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm Florence Parly (phải) tại lễ chuyển giao quyền lực ở Paris ngày 21/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chỉ 5 tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 21/6 đã phải tiến hành cải tổ nội các sau sự ra đi của các nhân vật chủ chốt trong chính phủ là thành viên đảng Phong trào Dân chủ (MoDem), chính đảng vốn giúp đưa ông Macron lên nắm quyền, do dính líu tới vụ bê bối sử dụng công quỹ sai mục đích.

Tổng thống Macron đã bổ nhiệm chuyên gia luật theo đường lối cánh tả Nicole Balloubet làm Bộ trưởng Tư pháp thay thế ông Francois Bayrou, một đồng minh chủ chốt của ông Macron.

Trong khi đó, bà Florence Parly - một thành viên của đảng Xã hội, được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng thay thế bà Sylvie Goulard vừa tuyên bố từ chức chỉ sau 1 tháng nắm quyền.

[Tổng thống Emmanuel Macron vẽ lại bản đồ chính trị của nước Pháp]

Thay thế Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu Marielle de Sarnez là bà Nathalie Loiseau - Hiệu trưởng trường ENA danh tiếng của chính phủ - nơi nhiều quan chức Pháp từng theo học, trong đó có cả ông Macron.

Thượng nghị sỹ cấp tiến theo đường lối cánh tả Jacques Mezard, phụ trách các vấn đề nông nghiệp, trở thành Bộ trưởng đặc trách gắn kết các vùng sau khi ông Richard Ferrand được điều chuyển công tác sang quốc hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb và Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire vẫn tiếp tục đảm đương chức vụ.

Phát biểu trên đài truyền hình TF1, Thủ tướng Pháp Eduard Philippe khẳng định Pháp vẫn giữ nguyên cam kết về việc cân bằng giới tính, có các đại diện từ cộng đồng xã hội dân sự trong chính phủ.

Dự kiến, nội các mới của Tổng thống Macron sẽ tiến hành cuộc họp đầu tiên trong ngày 22/6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.