Trong một cuộc điện đàm ngày 29/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã nhất trí cùng nhau hành động trong những tuần tới để duy trì thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) năm 2015.
Theo một tuyên bố của Điện Elysee, trong cuộc điện đàm kéo dài hơn một giờ đồng hồ, Tổng thống Macron cũng đề xuất thảo luận bổ sung 3 vấn đề, gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, các hoạt động hạt nhân của nước này sau năm 2025 và "các cuộc khủng hoảng chính" ở Trung Đông.
Về phần mình, Tổng thống Iran Rouhani trong cuộc điện đàm khẳng định thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), hay bất cứ vấn đề nào khác liên quan đều "không thể đàm phán lại" và Iran sẽ không chấp nhận bất cứ sự giới hạn nào vượt quá những cam kết của nước này.
Tổng thống Pháp Macron đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Mỹ rút khỏi thỏa thuận này đồng thời đang vận động các bên ủng hộ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 29/4 đã cảnh báo về "tham vọng thống trị khu vực Trung Đông" của Iran trong chuyến thăm Israel, chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du Trung Đông của ông.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Pompeo cũng nhấn mạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rút khỏi JCPOA nếu thỏa thuận này không được sửa đổi.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran (BCI) Valiollah Seif cho rằng Mỹ đã tước đi lợi ích kinh tế của nước này từ JCPOA.
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn lời ông Seif cho biết các chính sách cản trở của Washington đã ngăn cản Tehran có được lợi ích kinh tế từ JCPOA. Các ngân hàng châu Âu đã không tạo dựng được các mối quan hệ thích hợp với Iran vì e ngại chính sách của Mỹ. Thống đốc BCI bày tỏ hy vọng rằng, với sự giúp đỡ của các chính phủ châu Âu, vấn đề này sẽ được giải quyết.
Theo JCPOA, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế liên quan chương trình hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump yêu cầu sửa đổ thỏa thuận để loại bỏ quan ngại của Washington bằng các hoạt động cụ thể của Tehran, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố nếu các đồng minh châu Âu không sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran trước ngày 12/5 tới, ông sẽ từ chối kéo dài các biện pháp nới lỏng trừng phạt đối với Iran. Trong khi đó, Iran nhiều lần khẳng định sẽ không đàm phán lại, và sẽ tái khởi động chương trình hạt nhân nếu Mỹ rút khỏi JCPOA./