Tổng thống Pháp kiên quyết theo đuổi kế hoạch cải cách lương hưu

Bất chấp các ý kiến phản đối dẫn tới các cuộc biểu tình và đình công liên tiếp trong thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định kế hoạch cải cách lương hưu cần được thực hiện vào cuối năm nay.
Tổng thống Pháp kiên quyết theo đuổi kế hoạch cải cách lương hưu ảnh 1Biểu tình phản đối dự luật cải cách hưu trí của Chính phủ tại Paris, Pháp ngày 16/2/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh cải cách lương hưu là điều cần thiết và ông sẵn sàng chịu áp lực vì lợi ích chung của đất nước.

Kiên quyết theo đuổi kế hoạch

Chia sẻ với các hãng truyền thông TF1 và France 2, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định kế hoạch cải cách cần được thực hiện vào cuối năm nay, trong khi chờ đợi quyết định của Tòa án Hiến pháp liên quan đến vấn đề này.

Cải cách hưu trí đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi vào năm 2030 và áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu.

Bên cạnh đó, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ.

Chính phủ Pháp khẳng định cải cách hưu trí là cần thiết để tránh đẩy hệ thống lương hưu trượt sâu vào tình trạng thâm hụt, đưa độ tuổi nghỉ hưu tại Pháp lên mức tương ứng với các nước láng giềng ở châu Âu.

[Thượng viện Pháp thông qua dự luật gây tranh cãi về cải cách lương hưu]

Với tỷ lệ 195 phiếu thuận và 112 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật cải cách gây tranh cãi này, qua đó thúc đẩy dự luật tiến thêm một bước để trở thành luật.

Theo kế hoạch, dự luật sẽ được gửi lại Hạ viện Pháp, nơi chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron có thể vận dụng một điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp để thông qua mà không cần phải tiến hành biểu quyết.

Chính phủ Pháp cũng đã kích hoạt quyền hành pháp đặc biệt cho phép ban hành sắc lệnh áp dụng dự luật cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện.

Các nghị sỹ đối lập cũng đã nộp 2 bản kiến nghị đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp đã vượt qua 2 bản kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm trong ngày 20/3.

Thủ tướng Elisabeth Borne cũng khẳng định không từ chức, cho biết sẽ kiên định cùng với các bộ trưởng trong Nội các theo đuổi việc thực hiện những thay đổi cần thiết cho đất nước.

Làn sóng biểu tình phản đối

Động thái trên đã vấp phải sự phản đối và dẫn tới nhiều cuộc biểu tình, gây ra một trong những thách thức lớn nhất với Tổng thống Macron sau chưa đầy 1 năm đảm nhận nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai.

Điển hình, Chính phủ Pháp đã phải đối mặt với làn sóng đình công trên cả nước kể từ khi trình bày kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu vào ngày 10/1 vừa qua.

Sau đó, từ ngày 7/3, các nghiệp đoàn Pháp cũng liên tục tổ chức các cuộc đình công quy mô lớn nhằm phản đối các biện pháp cải cách lương hưu của chính phủ nước này.

Các cuộc đình công được cho là sẽ khiến nước Pháp "tê liệt."

Các cuộc đình công đã dẫn đến tình trạng mất điện ở một số nơi, gây gián đoạn nguồn cung năng lượng và giảm sản lượng điện tại một số nhà máy.

Cụ thể, đình công đã dẫn đến tình trạng mất điện tại sân vận động Stade de France và một số công trình đang thi công cho Làng Olympic 2024 ở phía Bắc vùng ngoại ô Saint-Denis, gần thủ đô Paris.

Nhiều nhân viên ngành điện, thuộc nghiệp đoàn IEG, đã tham gia đình công và ngừng các hoạt động phân phối điện.

Họ cho biết mất điện cũng xảy ra tại 3 trung tâm dữ liệu tại Saint-Denis và các trung tâm thương mại quanh sân Stade de France.

Đình công cũng ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng và sản lượng điện của Pháp.

Bộ Lao động Pháp ước tính cải cách hệ thống lương hưu sẽ mang lại cho nước này thêm 17,7 tỷ euro (19,18 tỷ USD) đóng góp lương hưu hằng năm. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn cho rằng có nhiều cách khác để tăng doanh thu, như đánh thuế người siêu giàu hoặc yêu cầu người sử dụng lao động hoặc người hưu trí khá giả đóng góp nhiều hơn.

Các nghiệp đoàn đều phản đối đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu, cho rằng cải cách này là "không công bằng."

Tổng thống Emmanuel Macron đã đặt kế hoạch cải cách hưu trí này vào trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử của mình vào năm 2022.

Chính phủ của ông cho rằng những thay đổi này là cần thiết để ngăn hệ thống lương hưu rơi vào tình trạng thâm hụt trong những năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.