Tổng thống Romania kêu gọi NATO và Nga xuống thang căng thẳng

Tổng thống Romania khẳng định NATO không có kế hoạch bước vào cuộc chiến với Nga liên quan tới tình hình ở Ukraine và liên minh quân sự này hy vọng cả hai bên sẽ xuống thang căng thẳng.
Tổng thống Romania kêu gọi NATO và Nga xuống thang căng thẳng ảnh 1Tổng thống Romania Klaus Iohannis. (Nguồn: Reuters)

Theo hãng tin Sputnik, Tổng thống Romania Klaus Iohannis ngày 23/9 khẳng định Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có kế hoạch bước vào cuộc chiến với Nga liên quan tới tình hình ở Ukraine và liên minh quân sự này hy vọng cả hai bên sẽ xuống thang căng thẳng.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Mỹ, Tổng thống Iohannis nhấn mạnh: “Romania, tương tự NATO, sẽ không giao chiến với Nga, nhưng nỗ lực giảm leo thang phải đến từ cả hai phía... Đây là tình huống rất căng thẳng, và chúng tôi, quốc gia có đường biên giới dài nhất với Ukraine trong tất cả các đồng minh NATO, rõ ràng là ở một vị trí đặc biệt, chúng tôi sẵn sàng trước mọi tình huống.”

[Đức phản đối hủy bỏ một đạo luật quan trọng giữa NATO và Nga]

Nhà lãnh đạo Romania cũng bày tỏ hy vọng Nga và Ukraine theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình.

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nhận định nguy cơ căng thẳng giữa các quốc gia thành viên NATO và Nga leo thang thành xung đột công khai sẽ tồn tại chừng nào cuộc khủng hoảng ở Ukraine còn tiếp diễn.

Ông khẳng định Liên hợp quốc vẫn là “địa điểm thích hợp nhất” để thảo luận về các vấn đề liên quan đến khôi phục hòa bình ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Hungary cũng nhận định rằng không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng ở Ukraine nếu Nga và Mỹ không đạt được thỏa thuận, dù các nước khác có mong muốn chấm dứt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.