Ngày 4/3, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố các lực lượng chính phủ cần tiếp tục chiến dịch tại Đông Ghouta nhằm đánh bật phiến quân khỏi khu vực này, bất chấp sức ép gia tăng đòi chấm dứt chiến dịch trên.
Trả lời các phóng viên, ông Assad nêu rõ đa số người dân tại Đông Ghouta đều muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của chủ nghĩa khủng bố, do đó chiến dịch này cần được tiếp tục.
Nhà lãnh đạo Syria nhấn mạnh dân thường vẫn có khả năng được sơ tán khỏi khu vực này, đồng thời cũng bác bỏ về sự mâu thuẫn giữa một lệnh ngừng bắn và tình hình giao tranh hiện nay.
Về những cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học từ phương Tây, ông Assad cho đây "chỉ là lời đe dọa" mà các nước phương Tây sử dụng để nhắm vào quân đội Syria.
Ngoài ra, Tổng thống Assad cũng cáo buộc liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đang "không ngại ngần" hỗ trợ cho tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng như Mặt trận Al-Nusra vốn có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Một nguồn tin quân sự cho biết được sự yểm trợ của máy bay chiến đấu Nga, quân đội Syria đã đạt được bước tiến trên nhiều mặt trận, giành lại quyền kiểm soát nhiều nông trại, làng mạc.
Quân Chính phủ Syria còn giải phóng được một số huyện, trong đó có Al-Nashabiyeh và Otaya, đánh bật được các nhóm khủng bố tại ngoại ô phía Đông thủ đô Damascus.
Các lực lượng này hiện đã tiến đến trung tâm của Đông Ghouta, gần thị trấn Beit Sawa. Tổng cộng có 12 tay súng đã bị tiêu diệt tại Al-Rihan và Shifoniya trong các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và nhóm phiến quân Jaish al-Islam.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), quân Chính phủ Syria chỉ còn cách thị trấn chính Douma của Đông Ghouta 3km.
Hiện quân đội Syria đã giành lại 1/4 vùng Đông Ghouta ở phía Đông thủ đô Damascus sau hai tuần tấn công dữ dội. SOHR xác nhận khoảng 2.000 dân thường phải di chuyển từ các khu vực phía Đông sang phía Tây để tránh cuộc giao tranh.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Văn phòng tổng thống Pháp cho biết Tổng thống nước này Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhằm thảo luận về vấn đề Syria, đặc biệt là tình hình nhân đạo tại khu vực bị vây hãm Đông Ghouta.
Theo thông báo trên, Tổng thống Macron "đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và đề cập đến những biện pháp cần thực hiện ngay, đặc biệt là từ phía Nga và Iran, để Damascus chấp nhận nghị quyết của Liên hợp quốc, cho phép các đoàn xe viện trợ nhân đạo được tiến vào, và để một lệnh ngừng bắn được thực thi dưới sự kiểm soát của Liên hợp quốc.
Văn phòng tổng thống Pháp cũng cho hay hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria trong khuôn khổ tiến trình Geneva với sự tham gia của tất cả các bên liên quan cũng như các đại diện của phe đối lập tại Syria.
Trước đó, ngày 24/2 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 2401 yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria trong vòng 30 ngày, để cho phép các hoạt động vận chuyển "an toàn và đều đặn" hàng viện trợ và sơ tán những người ốm hoặc bị thương ở khu vực Đông Ghouta của Syria.
Nghị quyết cũng yêu cầu chấm dứt tất cả các cuộc bao vây, bao gồm ở Đông Ghouta, Yarmouk, Foua và Kefraya, đồng thời yêu cầu tất cả các bên "chấm dứt việc cướp bóc thuốc men và thực phẩm của dân thường."
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định việc triển khai một lệnh ngừng bắn toàn diện vào thời điểm hiện nay là khó khả thi bởi tìm được tiếng nói chung giữa nhiều lực lượng đang cùng hiện diện tại chiến trường này là một tiến trình phức tạp./.