Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo châu Âu về tình hình Libya

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo châu Âu sẽ phải đối mặt một loạt vấn đề và những mối đe dọa mới từ các tổ chức khủng bố nếu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) của Libya sụp đổ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 18/1 đã cảnh báo rằng châu Âu có thể sẽ phải đương đầu với những mối đe dọa mới từ các tổ chức khủng bố, nếu như Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận tại Libya sụp đổ.

Trong một bài viết đăng trên Politico, ông Erdogan nêu rõ: "Châu Âu sẽ phải đối mặt một loạt vấn đề và những mối đe dọa mới nếu chính phủ hợp pháp của Libya sụp đổ... Các tổ chức khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda, vốn đã chịu sự thất bại quân sự ở Syria và Iraq, sẽ tìm thấy một mảnh đất màu mỡ để lại trỗi dậy."

Những nhận định trên của Tổng thống Erdogan được đưa ra trong bối cảnh hội nghị quốc tế về Libya sẽ khai mạc tại thủ đô Berlin (Đức) vào ngày 19/1 tới.

[Libya: Lực lượng miền Đông không ký thỏa thuận ngừng bắn]

Theo ông Erdogan, việc Liên minh châu Âu (EU) không thể có được sự ủng hộ tương xứng dành cho GNA là "một sự phản bội đối với những giá trị cốt lõi của liên minh này" và theo đó "châu Âu sẽ phải đối mặt với một loạt những rắc rối mới, nếu chính phủ hợp pháp tại Libya sụp đổ."

Hội nghị quốc tế tại Berlin sẽ tập trung thảo luận các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột, cũng như sự chia rẽ quốc tế về vấn đề Libya và thúc đẩy một "cuộc đối thoại chính trị sâu rộng" dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Nước chủ nhà đã mời đại diện 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tới tham dự hội nghị.

Cho tới nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận lời mời tham dự hội nghị tại Berlin.

Mới đây nhất, ngày 16/1, người đứng đầu GNA ở Tripoli - ông Fayez al-Sarraj cũng đã nhận lời mời dự hội nghị.

Libya hiện đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.

GNA và lực lượng Quân đội miền Đông Libya (LNA) cùng tồn tại với hai chính quyền và các lực lượng vũ trang riêng.

GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Khalifa Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Cộng đồng quốc tế lo ngại cuộc xung đột Libya sẽ diễn biến phức tạp hơn sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua luật cho phép chính phủ nước này điều quân tới Libya hỗ trợ GNA chống lại LNA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục