Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể được trao thêm nhiều quyền lực

Nếu được Quốc hội thông qua, Tổng thống Erdogan sẽ nắm giữ quyền hành pháp, được quyền chỉ định chính phủ, duy trì các mối quan hệ với đảng của ông, có quyền đề xuất các khoản thu chi ngân sách.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể được trao thêm nhiều quyền lực ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AP/TTXVN)

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/1 bắt đầu tranh luận về một loạt điều khoản dự thảo bổ sung Hiến pháp, theo đó sẽ trao thêm nhiều quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Các nghị sỹ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành 2 vòng bỏ phiếu để thống nhất quan điểm ủng hộ hay phản đối các đề xuất trên.

Nếu được thông qua, chính phủ nước này sẽ đưa gói cải cách trên ra trưng cầu dân ý dự kiến trong mùa Xuân năm nay và nếu vượt qua cuộc trưng cầu mang tính chất quyết định này, các đề xuất sẽ chính thức trở thành luật.

Tổng thống Erdogan sẽ nắm giữ quyền hành pháp, được quyền chỉ định chính phủ, tiếp tục duy trì các mối quan hệ với đảng của ông, có quyền đề xuất các khoản thu chi ngân sách, cũng như được quyền ban bố tình trạng khẩn cấp.

Bên cạnh đó, ông Erdogan có thể tại nhiệm thêm 2 nhiệm kỳ từ nay đến năm 2029.

Ngoài ra, trong số các đề xuất cải cách Hiến pháp được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ lần này có việc tăng số ghế trong Quốc hội từ 550 ghế hiện tại lên 600 ghế; giảm số tuổi tối thiểu của các nghị sỹ trong cơ quan lập pháp từ 25 xuống 18 tuổi; và tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống trong cùng một ngày.

Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Erdogan dù còn thiếu 14 trong tổng số 330 phiếu tối thiểu trong Quốc hội gồm 500 ghế để đủ điều kiện thông qua các đề xuất nói trên, nhưng lại đang nhận được sự ủng hộ của đảng Phong trào Dân tộc chủ nghĩa (HDP).

Trong thời gian qua, Tổng thống Erdogan đã và đang tích cực thúc đẩy để các đề xuất cải cách Hiến pháp, đồng thời khẳng định nhưng cải cách này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ thịnh vượng hơn và giảm bớt các vấn đề bất ổn.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều lo ngại rằng những đề xuất thay đổi nói trên sẽ cho phép quyền lực tập trung chủ yếu vào tay của Tổng Erdogan, từ đó nhà lãnh đạo này có quyền tự ra các quyết định mà không cần sự chấp thuận ở bất kỳ một cấp nào khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.