Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng muốn cải thiện quan hệ với Đức và EU

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ với Đức và Liên minh châu Âu (EU) sau những căng thẳng trong quan hệ song phương năm 2017.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng muốn cải thiện quan hệ với Đức và EU ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 28/12 đã bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ với Đức và Liên minh châu Âu (EU) sau những căng thẳng trong quan hệ song phương năm 2017.

Trong cuộc phỏng vấn đăng tải trên nhiều tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan cho biết Ankara đang cần "giảm kẻ thù và tăng bạn bè".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn cho rằng "không có lý do gì" ngăn cản ông có các chuyến thăm tới Đức hay Hà Lan, hai nước EU mà Ankara từng có các tranh cãi căng thẳng liên quan tới cuộc tổng tuyển cử trong năm 2017.

[Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sa thải hàng nghìn người liên quan 'khủng bố']

Ông Erdogan hoan nghênh việc chính quyền Berlin chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Sự ủng hộ của EU đối với quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này có thể là chất xúc tác thúc đẩy quan hệ song phương tốt đẹp hơn.

Ông Erdogan cũng để ngỏ khả năng tới thăm Pháp và Tòa thánh Vatican để gặp Giáo hoàng Francis trong năm tới.

Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là 2 quốc gia đồng minh gần gũi trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt kể từ khi Ankara bắt giữ một số công dân Đức và Berlin chỉ trích mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ về cách thức xử lý vụ đảo chính bất thành hồi giữa năm 2016, cũng như các vấn đề liên quan đến người Kurd.

Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi toàn bộ người Đức gốc Thổ không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SPD), hay đảng Xanh, cho rằng đây là "kẻ thù của Ankara".

Đáp lại, Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ ngừng các cuộc đàm phán của Đức và EU về việc xem xét Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên trong thời gian gần đây đã có những tín hiệu tích cực. Thổ Nhĩ Kỳ đã thả tự do cho một số công dân Đức bị bắt giữ theo sắc lệnh tình trạng khẩn cấp mà chính quyền nước này ban bố sau khi đập tan cuộc đảo chính hồi tháng 7/2016.

Hôm 22/12 vừa qua, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết việc này mở ra hy vọng tích cực cho mối quan hệ giữa hai quốc gia/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.