Theo AFP, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến thăm chớp nhoáng tới Iraq - chuyến thăm đầu tiên của ông cùng binh lính Mỹ tới một khu vực đang xảy ra xung đột kể từ khi ông nhậm chức - để biện hộ cho quyết định rút quân khỏi Syria và để tuyên bố chấm dứt vai trò “cảnh sát” toàn cầu của Mỹ.
Ông Trump hạ cánh tại căn cứ không quân Al-Asad thuộc miền Tây Iraq và có cuộc nói chuyện với một nhóm khoảng 100 nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt và với các lãnh đạo quân sự trước khi rời đi vài giờ sau đó.
Nguồn tin từ văn phòng Thủ tướng Iraq Adel Abdel Mahdi cho biết cuộc gặp dự kiến giữa ông Trump và ông Mahdi đã bị hủy bỏ và được thay thế bằng một cuộc điện đàm, lý do là bởi hai bên "bất đồng về cách tổ chức cuộc gặp đó."
Có những đồn đoán rằng nhà chức trách Iraq đã không được thông báo về chuyến thăm này, và Tổng thống Trump cũng không gặp các quan chức Iraq.
[Tổng thống Mỹ bất ngờ thăm Iraq: Mũi tên trúng nhiều đích]
Fanar Haddad, chuyên gia về Iraq làm việc tại Viện Trung Đông thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore, nói: "Việc Trump từ chối gặp Thủ tướng Iraq ở Baghdad càng củng cố quan điểm của nhiều người Iraq rằng Trump rất coi thường đất nước này."
Việc các tổng thống đến thăm quân đội Mỹ đóng tại các khu vực chiến tranh là một truyền thống lâu đời của Mỹ kể từ khi cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 diễn ra, và ông Trump từng bị chỉ trích rất nhiều vì đã từ chối thực hiện các chuyến thăm trong hai năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống. Vì vậy, chuyến thăm Iraq vừa qua của Tổng thống Trump sẽ giúp dập tắt những lời chỉ trích về việc ông không chịu gặp gỡ những người lính đang làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nói rằng cách ông Trump tới thăm Iraq "không tương xứng với các tiêu chí ngoại giao và quan hệ với các nước bên ngoài. Việc Trump đối xử với Iraq cũng như chủ quyền của nước này theo cách này sẽ làm tổn hại mối quan hệ Iraq-Mỹ."
Chuyến thăm của ông Trump diễn ra sau khi ông bất ngờ quyết định rút toàn bộ 2.000 binh lính Mỹ khỏi Syria và rút một nửa trong tổng số 14.000 quân Mỹ đang được triển khai tại Afghanistan. Tuy nhiên, Trump nhấn mạnh rằng ông không có ý định rút quân Mỹ khỏi Iraq, nơi mà ông cho là có thể được sử dụng như một căn cứ trong tương lai "nếu chúng ta muốn làm điều gì đó ở Syria."
Chuyên gia Haddad nói: "Tôi cho rằng chuyến thăm này của Trump càng khiến những người vốn lo ngại rằng chính sách của Mỹ đối với Iraq sẽ giống như chính sách của Mỹ đối với Syria thêm bất an."
Kể từ khi đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016, Trump luôn coi việc rút binh lính Mỹ khỏi các cuộc chiến tranh là ưu tiên hàng đầu. Phát biểu với các binh lính Mỹ tại căn cứ ở Iraq, ông nói rằng Mỹ "không thể tiếp tục đóng vai trò cảnh sát của thế giới được nữa."
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Thật không công bằng khi mọi gánh nặng đều đè lên chúng ta (Mỹ). Chúng ta không muốn bị bất cứ quốc gia nào lợi dụng và tận dụng chúng ta cũng như quân đội hùng mạnh của chúng ta để bảo vệ họ... Chúng ta có mặt trên toàn thế giới. Chúng ta ở các quốc gia mà hầu hết mọi người chưa từng nghe đến. Thành thật mà nói, điều đó thật nực cười.”
Tuy nhiên, theo nhận định của nhà phân tích chính trị người Iraq Hisham al-Hashemi, Iraq là một trường hợp đặc biệt. Ông nói: "Iraq có một vai trò quan trọng bởi nước này nằm ở vị trí chiến lược. Sự hiện diện của các lực lượng Mỹ sẽ làm yên lòng cả Jordan và Saudi Arbia, và tạo ra sự cân bằng giữa người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ và tam giác người Thổ, Iran, Iraq. Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq cũng mang lại lợi ích cho Israel trong bối cảnh nước này muốn phong tỏa tuyến đường Tehran-Beirut" và giúp đối trọng với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Iran ở khu vực này.
Chuyến thăm của ông Trump tới Iraq đã khiến các nhóm ủng hộ Tehran trong Quốc hội Iraq vô cùng tức giận. Nhóm Harakat al-Nujaba thân Iran cho rằng sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Iraq đã "vi phạm chủ quyền của đất nước này" và "nhiệm vụ của chính phủ Iraq hiện nay là phải trục xuất các binh lính Mỹ." Nhóm này cho rằng "không thể dung thứ cho việc Trump coi thường chủ quyền của Iraq," đồng thời tuyên bố "sẽ không để Iraq bị biến thành một căn cứ được sử dụng để đe dọa các nước khác."
Người đứng đầu nhóm Asaib Ahl al-Haq thân Iran là Qais al-Khazali viết trên trang cá nhân: "Chuyến thăm của Trump tới căn cứ Mỹ ở Iraq mà không tuân thủ các tiêu chí ngoại giao đã làm lộ rõ ý đồ của Mỹ tại Iraq." Theo ông, phản ứng của Iraq "sẽ là quốc hội đơn phương ra quyết định 'tống khứ' các binh lính Mỹ. Nếu Mỹ không chịu rút lui, chúng ta sẽ làm điều đó theo cách khác."
Trong bối cảnh Thủ tướng Abdel Mahdi vẫn đang phải vật lộn để bổ nhiệm các vị trí bộ trưởng then chốt, nhà phân tích Hashemi cho rằng "trục thân Iran trong quốc hội sẽ tìm cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu về thời gian để Mỹ rút quân khỏi Iraq."
Những nhóm này và các lực lượng của hộ đóng vai trò lớn trong việc duy trì an ninh ở gần như khắp Iraq, đặc biệt là dọc biên giới với Syria. Hashemi cho rằng "việc Trump coi thường các đồng minh của mình đã khiến cho mối quan hệ giữa Abdel Mahdi và các lực lượng chính trị ở Iraq trở nên căng thẳng. Thái độ coi thường Iraq của Trump có thể làm dấy lên một làn sóng phản kháng, phản đối sự hiện diện của Mỹ tại Iraq"./.