Tổng thống Trump muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán NAFTA

Trong cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi nhanh chóng hoàn tất các cuộc tái đàm phán NAFTA.
Đại diện Mỹ, Canada và Mexico tại vòng thứ nhất tái đàm phán NAFTA ở Washington D.C., (Mỹ) ngày 16/8/2017. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi nhanh chóng hoàn tất các cuộc tái đàm phán Hiệp định Thương Mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ mong muốn một thỏa thuận NAFTA mới được ký kết trong vòng vài tuần tới, trong bối cảnh các cuộc bầu cử sắp tới ở cả 3 nước Bắc Mỹ đang đến gần.

Trước đó, một thông báo của Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng kết thúc các cuộc tái đàm phán NAFTA vốn đạt được rất ít tiến bộ trong thời gian qua. Thông báo này cho hay việc hoàn thành một thoả thuận NAFTA mới sẽ đảm bảo sức sống của ngành công nghiệp sản xuất Mỹ và khu vực Bắc Mỹ, đồng thời bảo vệ nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.

Trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình tái đàm phán để có thể hoàn tất nâng cấp NAFTA tại vòng đàm phán tiếp theo, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland sẽ có chuyến công du 3 ngày tới Washington trong tuần này để gặp Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và các thành viên chủ chốt của Quốc hội Mỹ.

[Mỹ sẽ miễn thuế thép và nhôm của Canada, Mexico nếu ký NAFTA]

Vòng đàm phán NAFTA tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 8/4 tại thủ đô Washington của Mỹ.

Trong một diễn biến liên quan, trả lời báo chí về việc liệu chính quyền Mỹ tạm thời miễn trừ áp thuế nhập khẩu đối với nhôm, thép của Canada và Mexico có tác động đến kết quả đàm phán NAFTA hay không, Thủ tướng Trudeau cho rằng đây là những vấn đề riêng biệt, “không có sự liên kết thuế quan với đàm phán NAFTA.” Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh: “Tôi đã nói với Tổng thống Trump rằng việc áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm không giúp gì cho NAFTA. Ngược lại nó còn tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán hiệp định này," đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng việc miễn thuế quan là một loại ân huệ từ thiện của Mỹ.

Theo quan điểm của Thủ tướng Canada, việc Mỹ tạm miễn trừ áp dụng quy định mới về thuế đối với nhôm và thép của Canada không chỉ giúp Canada mà còn giúp đỡ chính bản thân nước Mỹ.

Trong khi đó, ngày 13/3, Ngoại trưởng Chrystia Freeland và Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Jim Carr ra tuyên bố chung phản đối quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ trong cuộc điều tra về giấy bột gỗ không tráng phủ của Canada.

Hai bộ trưởng bày tỏ thất vọng trước quyết định điều tra sơ bộ do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra, đồng thời cảnh báo những tác động ngược đối với ngành báo chí của Mỹ. Theo tuyên bố này, bất kỳ mức thuế nào cũng sẽ gây tác động trực tiếp và tiêu cực đối với các tờ báo Mỹ, nhất là ở các thị trấn và thành phổ nhỏ, và làm mất việc làm trong ngành in ấn.

Tuyên bố nhắc lại cam kết của chính phủ Canada trong việc hỗ trợ ngành lâm nghiệp củng cố các thị trường cũ và đa dạng hoá thương mại với các thị trường mới. Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ chống lại các biện pháp thương mại không chính đáng và bất công của Mỹ.

Kết luận sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ sẽ mở đường cho việc chính thức áp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với giấy bột gỗ không tráng phủ của Canada với mức thuế trung bình 22,16%. Trước đó, hôm 9/1, Bộ Thương mại Mỹ thông báo áp thuế chống trợ cấp sơ bộ 6,53% đối với mặt hàng này. Tổng cộng cả hai loại thuế, giấy bột gỗ không tráng phủ của Canada sẽ phải chịu mức thuế lên tới 28,69%.

Năm 2016, Canada xuất sang Mỹ 1,27 tỷ USD giấy bột gỗ không tráng phủ. Ngành lâm nghiệp Canada đang tạo ra hàng triệu việc làm tốt cho tầng lớp trung lưu và mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho các cộng đồng nông dân cũng như người bản địa trên cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục