Tổng thống Ukraine Poroshenko bác bỏ việc giải tán quốc hội

Phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh ông tôn trọng quốc hội hiện tại và không muốn xung đột với cả quốc hội lẫn chính phủ.
Tổng thống Ukraine Poroshenko bác bỏ việc giải tán quốc hội ảnh 1Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 10/4, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã bác bỏ việc giải tán quốc hội, tuyên bố vẫn muốn tiếp tục làm việc với quốc hội hiện tại.

Phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh ông tôn trọng quốc hội hiện tại và không muốn xung đột với cả quốc hội lẫn chính phủ.

Trước đó, đảng "Khối đối lập" Ukraine cho rằng việc Thủ tướng Arseny Yatsenyuk quyết định từ chức có nghĩa là chính quyền đương nhiệm đã sụp đổ, việc thay thế chính phủ cũng sẽ không xoay chuyển được tình hình, vì vậy quốc gia Đông Âu này cần tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn nhằm thành lập một chính phủ mới có thể giúp Ukraine thoát khỏi khủng hoảng.

Tuyên bố nêu rõ trong 1 năm rưỡi qua, Quốc hội và Chính phủ Ukraine đã gây thiệt hại to lớn cho mỗi người dân và cả đất nước Ukraine, như lạm phát lên tới 50%, đồng nội tệ hryvnia mất giá, thuế tăng gấp 7 lần, trong khi nợ quốc gia tăng lên 1.500 tỷ hryvnia.

Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk đã thông báo quyết định từ chức ngày 10/4, chỉ chưa đầy hai tháng sau khi ông vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Trong một tuyên bố được phát trên truyền hình, ông Yatsenyuk lưu ý đã đưa ra quyết định này vì một số lý do như "cuộc khủng hoảng chính trị giả tạo," và các chính trị gia không muốn mang lại những thay đổi thực sự cho đất nước.

Nghị sỹ Anton Gerashchenko thuộc đảng "Mặt trận nhân dân" cùng ngày cho biết Quốc hội Ukraine ngày 12/4 sẽ bỏ phiếu bãi nhiệm ông Yatsenyuk, thành lập liên minh mới, sau đó đề cử ứng viên thủ tướng mới.

Ukraine rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị sau khi các nghị sỹ trong quốc hội đánh giá hoạt động của chính phủ không hiệu quả nhưng lại chưa thể bỏ phiếu bãi nhiệm Thủ tướng Yatsenyuk. Điều này đã khiến một số đảng phái rút khỏi liên minh cầm quyền trong Quốc hội Ukraine.

Trong bối cảnh đó, hồi trung tuần tháng Hai vừa qua, Tổng thống Poroshenko đã yêu cầu Thủ tướng Yatsenyuk từ chức do người dân mất lòng tin đối với ông về vấn đề chống tham nhũng và khắc phục tình trạng trì trệ của nền kinh tế Ukraine. Để tránh cuộc khủng hoảng chính trị trở nên sâu sắc, Tổng thống Poroshenko cũng đã đề xuất cải tổ liên minh và thành lập chính phủ mới.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Nhà Trắng thông báo Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận với Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk tầm quan trọng của việc tiếp tục kế hoạch cải cách kinh tế và tiến tới trở thành một quốc gia độc lập về năng lượng mà ​Ukraine đang tiến hành.

Trong thông báo, Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tầm quan trọng của việc thành lập một nội các mới ở Ukraine cam kết thực hiện những cải cách cần thiết, đặc biệt là những cải cách được Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên minh châu Âu (EU) đề xuất.

Trong khi đó, Tổng thống Poroshenko tuyên bố bất chấp kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan vừa qua, Hiệp định liên kết EU-Ukraine vẫn tiếp tục được thực thi và con đường hội nhập châu Âu của Kiev không thay đổi.

Theo kết quả trưng cầu ý dân tại Hà Lan hôm 6/4, đa số cử tri nước này bỏ phiếu phản đối việc phê chuẩn Hiệp định liên kết EU-Ukraine. Cuộc trưng cầu này không mang tính ràng buộc đối với Chính phủ Hà Lan, tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định đây được xem là phép thử đối với EU và việc người dân phản đối thoả thuận sẽ là một bước "lùi" của Chính phủ Hà Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.