Tổng thống Ukraine sẵn sàng đối thoại với người biểu tình

Tân Tổng thống Ukraine tuyên bố sẵn sàng đối thoại với người biểu tình ở miền Đông, tuy nhiên điều kiện tiên quyết là họ phải hạ vũ khí.
Tổng thống Ukraine sẵn sàng đối thoại với người biểu tình ảnh 1Tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 11/6 tuyên bố sẵn sàng đối thoại với người biểu tình có vũ trang tại miền Đông, tuy nhiên điều kiện tiên quyết là họ phải hạ vũ khí.

Theo Cơ quan báo chí của Tổng thống, trong cuộc gặp với Thống đốc tỉnh Donetsk Sergey Taruta, ông Poroshenko cũng khẳng định không loại trừ khả năng sẽ đàm phán với "các phe phái," tuy nhiên cuộc đàm phán này sẽ phải đặt nền tảng cho quá trình giải quyết xung đột tiếp theo.

Ông cũng nói thêm rằng trước hết người biểu tình có vũ trang phải hạ vũ khí và giải phóng các trụ sở đang chiếm giữ.

Tuyên bố trên được ông tái khẳng định trong cuộc điện đàm cùng ngày với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ngoài ra, ông cam kết sẽ ân xá cho người biểu tình tự nguyện hạ vũ khí và giải phóng các trụ sở đang chiếm giữ.

Phó Tổng thống Mỹ cũng hoan nghênh kế hoạch lập lại hòa bình mà ông Poroshenko cam kết trong lời phát biểu nhậm chức ngày 7/6, song cho đến nay chưa công bố chi tiết.

Trong lúc này, quân đội Ukraine tiếp tục dùng vũ khí hạng nặng tấn công vào thành phố Slavyansk ở miền Đông. Còn tại Lugansk, ngày 11/6 phái bộ giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã phải ngừng hoạt động vì lý do không đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, hiện OSCE vẫn đang mất liên lạc với hai phái bộ khác của mình hoạt động tại các thành phố miền Đông Ukraine.

Theo thông tin chính thức từ Bộ Y tế Ukraine, kể từ khi chính quyền tiến hành chiến dịch quân sự chống người biểu tình đòi liên bang hóa tại miền Đông (tháng 4/2014), đã có 270 người thiệt mạng và 713 người bị thương tại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.