Ngày 29/10, Tổng thống Yemen Abedrabbo Mansour Hadi đã bác đề xuất hòa bình của đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed nhằm chấm dứt xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Nguồn tin thân cận với tổng thống khẳng định ông Hadi đã nhận được nội dung sáng kiến về lộ trình hòa bình từ đặc phái viên của Liên hợp quốc song từ chối chấp thuận đề xuất này.
Trước đó tại cuộc gặp với đại diện phiến quân Houthi ở thủ đô Sanaa ngày 25/10, đặc phái viên Liên hợp quốc Ahmed đã đưa ra một đề xuất hòa bình tới lực lượng này cùng các đồng minh, với mục tiêu thúc đẩy các triển vọng hòa bình tại Yemen.
Lộ trình chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột Yemen của ông Ahmed bao gồm sáu điểm then chốt.
Thứ nhất, Tổng thống Yemen đương nhiệm Abd Rabu Mansour Hadi phải được công nhận là tổng thống trong chính quyền chuyển tiếp và việc chỉ địch phó tổng thống phải được tất các phe phái liên quan thống nhất.
Thứ hai, cách chức Phó Tổng thống hiện nay Ali Mohsin Al-Ahmar ngay sau khi các bên đối địch ký kết thỏa thuận chính trị.
Thứ ba, thành lập một chính phủ đoàn kết với sự tham gia của đại diện các phe phái trong vòng một tháng sau khi thỏa thuận chính trị được ký. Các điểm then chốt tiếp theo là sửa đổi Hiến pháp; tiến hành bầu cử sau một năm dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế; phiến quân Houthi và các lực lượng đồng minh phải rút khỏi các khu vực chủ chốt ở miền Bắc, trong đó có thủ đô Sanaa, thành phố Taiz và Al-Hudaida.
Giới phân tích khu vực nhận định lực lượng Houthi sẽ khó có thể chấp thuận một số điều kiện như công nhận tính hợp pháp của Tổng thống Hadi; hạ vũ khí và rút khỏi các khu vực kiểm soát, trong đó có thủ đô Sanaa. Houthi và các đồng minh tuyên bố rằng một trong những điểm quan trọng nhất của đề xuất hòa bình mới nêu trên cần bao gồm việc Tổng thống đương nhiệm Hadi phải từ chức.
Yemen đã trượt sâu hơn vào bất ổn kể từ tháng 3/2015, thời điểm liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn.
Xung đột kéo dài 19 tháng qua ở Yemen đã khiến gần 6.900 người thiệt mạng và hơn 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi hàng triệu người khác đang cần viện trợ lương thực khẩn cấp./.