Tổng thư ký LHQ thảo luận với Tổng thống Mỹ về biển đối khí hậu

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama thảo luận về biến đổi khí hậu, xung đột ở Syria, bán đảo Triều Tiên.
Tổng thư ký LHQ thảo luận với Tổng thống Mỹ về biển đối khí hậu ảnh 1Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thảo luận với Tổng thống Mỹ Barack Obama về biển đối khí hậu. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 20/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Khóa họp 71 Đại hội Đồng Liên hợp quốc và thảo luận về các vấn đề biến đổi khí hậu, cuộc xung đột tại Syria và tình hình Bán đảo Triều Tiên và Nam Sudan...

Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết tại cuộc gặp, ông Ban Ki- moon cảm ơn Tổng thống Obama về sự ủng hộ mạnh mẽ và nhất quán của Mỹ đối với Liên hợp quốc trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về cách chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria và khởi động lại cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe phải xung đột tại quốc gia này.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Liên hợp quốc cho biết trong khuôn khổ Khóa họp Đại hội đồng vào ngày 21/9 (tối 21/9 giờ Việt Nam) sẽ có ít nhất 30 quốc gia chính thức phê chuẩn Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, một bước tiến lớn đưa thỏa thuận này sớm có hiệu lực.

30 quốc gia phê chuẩn Hiệp ước Paris bao gồm các nước lớn tại khu vực Mỹ Latinh như Argentina, Brazil và Mexico. Ngoài ra còn có một số nước khác như Bangladesh, Singapore, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Trả lời phỏng vấn phóng viên hãng tin AFP, Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal bày tỏ hy vọng về Hiệp ước Paris sẽ có hiệu lực trước thời điểm diễn ra Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc dự kiến diễn ra vào ngày 7/11 tại Marrakesh, Maroc.

Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu được ký kết tháng 12/2015 tại thủ đô Paris sau gần hai tuần đàm phán gay go và để thỏa thuận này có hiệu lực, cần ít nhất 55 quốc gia tương ứng với 55% lượng khí thải toàn cầu phê chuẩn.

Mục tiêu của thỏa thuận này là giới hạn mức tăng của nhiệt độ trái đất dưới 2 độ C như thời kỳ tiền công nghiệp. Hiệp ước đạt được là đánh dấu bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc trong suốt hơn hai thập kỷ qua nhằm thuyết phục chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế lượng gia tăng nhiệt độ của Trái Đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục