Tổng thư ký NATO kêu gọi Séc tăng ngân sách quốc phòng

Tổng thư ký Rasmussen cho rằng, theo quy chuẩn của NATO thì ngân sách quốc phòng của Cộng hòa Séc và một loạt nước thành viên khác còn thấp.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đang ở thăm Cộng hòa Séc, đã kêu gọi nước này tăng ngân sách quốc phòng.

Tổng thư ký Rasmussen lưu ý với phía Séc rằng theo quy định của NATO, các nước thành viên phải trích cho nhu cầu quốc phòng không dưới 2% GDP. Theo quy chuẩn này thì ngân sách quốc phòng của Cộng hòa Séc và một loạt nước thành viên khác còn thấp.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi coi Cộng hòa Séc là đồng minh đáng tin cậy. Mặc dù ngân sách (quốc phòng) còn thấp nhưng nước này vẫn trung thành với các chiến dịch của chúng tôi ở Afghanistan, Kosovo. Cộng hòa Séc là nước tham gia tích cực một loạt dự án quân sự quốc tế. Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của Séc đối với sự nghiệp của NATO. Nhưng tôi cũng bày tỏ một chút quan ngại về yếu tố từ góc nhìn tương lai là nước này đầu tư quá ít vào kỹ thuật quốc phòng hiện đại.”

Hãng tin CTK nhận xét rằng ý nghĩ chủ chốt mà Tổng thư ký NATO muốn các chính khách của Séc nắm bắt được là nếu muốn tham gia phòng thủ tập thể thì cần phải đầu tư kinh phí cho quân đội. Người dân Séc lo ngại về việc nước họ có phải là thành viên đầy đủ của NATO không và Thủ tướng Bohuslav Sobotka đã trả lời khẳng định. Ông tin rằng Séc đủ sức thực hiện các cam kết đặt ra trước mỗi thành viên của NATO.

Trong khi đó, ngày 11/4 các phương tiện thông tin đại chúng ở Séc lại nhận được thông tin từ Bộ trưởng Tài chính Andrej Babiš cho biết rằng sang năm 2015 ngân sách quốc phòng của nước này sẽ bị cắt giảm so với năm nay.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Bộ trưởng Quốc phòng Séc Martin Stropnický nhấn mạnh: “Điều này có nghĩa là nợ trong nước của quân đội sẽ tăng và khả năng (chiếu đấu) giảm. Quân đội chúng ta cần có 25.000 quân nhưng chỉ có 19.000, có nghĩa là về quân số chúng ta chỉ đủ 76% và tình hình sẽ còn xấu đi”.

Tuần trước Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã đề nghị chính phủ Séc gửi quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Bộ trưởng Martin Stropnický khẳng định rằng khả năng Séc tham gia lực lượng này rất hạn chế do thiếu kinh phí.

Ông nói: “Chúng ta hiểu rằng trước hết NATO muốn chúng ta gửi các bệnh viện dã chiến nhưng hiện tại chúng ta không thể đáp ứng. Chúng ta cũng được đề nghị gửi các phương tiện chuyên chở nhưng chúng ta chỉ còn 2 máy bay CASA vì 2 chiếc đã được gửi đi chuyên chở binh lính và thiết bị sang Afghanistan và Mali, do đó phương án cung cấp máy bay không được chấp nhận. Chúng ta cũng không thể gửi lữ đoàn trực thăng cho nên điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là cung cấp một trung đội binh sỹ gồm 250 người. Tôi không nói rằng như thế là ít nhưng rõ ràng chúng ta có ít những gì có thể hỗ trợ, ngay cả trong lĩnh vực có thế mạnh, chẳng hạn như y tế.”

Theo đài Radio Prague, về ngân sách quốc phòng Séc đứng thứ 21 trong số 28 nước thành viên NATO. Ngày 22/3, tại cuộc họp của Hạ viện Séc, nghị sỹ Ivan Gabal của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, đã đề xuất bổ sung ngân sách quốc phòng của Cộng hòa Séc và mua sắm thêm vũ khí do “tình hình chính trị ở châu Âu xấu đi nghiêm trọng” liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình. Nghị sỹ Gabal cho rằng cần phải tăng tỷ trọng ngân sách quốc phòng trong GDP của Séc từ 1,08% , tức 42 tỷ curon (khoảng 2,1 tỷ USD), vào năm 2014 lên 1,3% vào năm 2015 và 2% vào năm 2017. Đề xuất này đã bị bác bỏ.

Tướng Jiří Šedivý, Đại diện Thường trực của Cộng hòa Séc tại NATO, từng than phiền với báo giới về vấn đề nợ nần của quân đội. Ông nói rằng kinh phí cho quốc phòng chẳng những chật vật để quân đội Séc có thể phản ứng linh hoạt với các thảm họa thiên nhiên và tham gia một cách hiệu quả các chiến dịch lớn ở nước ngoài mà thậm chí còn “không đủ để may trang phục cho quân nhân chuyên nghiệp”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.