Tổng thư ký NATO thăm Ukraine, thảo luận về kế hoạch chấm dứt xung đột

Gặp Tổng thư ký NATO, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine đang cần được đảm bảo về số lượng và chất lượng của các vũ khí, bao gồm cả vũ khí tầm xa, song các đối tác lại đang trì hoãn vấn đề này.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte và Tổng thống Zelensky. (Ảnh: NATO)
Tổng thư ký NATO Mark Rutte và Tổng thống Zelensky. (Ảnh: NATO)

Ngày 3/10, tân Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte đã có chuyến thăm đến Ukraine, đây là chuyến thăm đầu tiên của ông trên cương vị mới.

Tại đây, ông Rutte đã có cuộc thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky về kế hoạch chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Phát biểu tại họp báo chung ở thủ đô Kiev, Tổng thư ký Rutte tái khẳng định cam kết của NATO về việc Ukraine trở thành thành viên của khối. Ông nhấn mạnh: "Ukraine đang gần NATO hơn bao giờ hết và sẽ tiếp tục lộ trình cho đến khi đạt được tư cách thành viên NATO."

Ông Rutte cũng nêu rõ việc thúc đẩy sản xuất công nghiệp phục vụ quốc phòng sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông. Ông tuyên bố: "Hỗ trợ Ukraine và bổ sung kho dự trữ của chúng ta đồng nghĩa với việc tăng cường sản xuất công nghiệp và đó sẽ là ưu tiên của tôi. Đó là lý do vì sao tại Washington, các đồng minh đã nhất trí tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng của chúng ta."

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine đang cần được đảm bảo về số lượng và chất lượng của các vũ khí, bao gồm cả vũ khí tầm xa, song các đối tác lại đang trì hoãn vấn đề này.

Ông Zelensky cũng cho biết ông đã thảo luận với tân Tổng thư ký NATO về tình hình chiến trường và kế hoạch chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tháng trước, lãnh đạo các nước thành viên NATO, trong đó có Tổng thống Litva Gitanas Nauseda, Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil, Thủ tướng Latvia Evika Silina, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy đã đến Ukraine.

Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Mỹ và Anh cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Cụ thể, Mỹ sẽ cung cấp khoản viện trợ kinh tế mới, trị giá 717 triệu USD, cho Ukraine, trong đó 50% sẽ được dành cho cơ sở hạ tầng năng lượng khi mùa Đông đang đến gần.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh David Lammy tái khẳng định cam kết về việc cung cấp 600 triệu bảng Anh (782 triệu USD), cùng hàng trăm tên lửa, đạn pháo và nhiều xe bọc thép mới cho Ukraine trong năm nay.

Ngoài ra, Litva đã cam kết hỗ trợ 10 triệu euro (hơn 11 triệu USD) để phát triển năng lực tấn công tầm xa của Ukraine, đặc biệt là thiết bị bay không người lái Palianytsia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.