Tốt nghiệp THPT: Hà Nội đề nghị đưa đề thi chính đến các điểm thi

Theo ông Cương, hiện quy chế thi chỉ quy định mỗi điểm thi có một hoặc hai bì đề thi dự phòng. Những túi đề thi này chỉ được sử dụng in sao trong trường hợp thiếu đề thi.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Cần công bố thời gian thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ngay từ đầu năm học, đưa đề thi chính về các điểm thi để phòng trường hợp đề mờ, tập huấn về phòng chống thiết bị công nghệ cao, nên công bố danh mục máy tính được mang vào phòng thi…

Đây là những đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương với Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng nay, 18/6, tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Ban chỉ đạo kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi.

Phòng gian lận công nghệ cao

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho hay Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các quận, huyện thị xã đều dành nguồn lực cơ sở vật chất tốt nhất cho kỳ thi, chuẩn bị chu đáo các điều kiện từ y tế, an toàn thực phẩm, phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô cũng nêu các kiến nghị để việc tổ chức thi tốt hơn nữa.

Cụ thể, rút kinh nghiệm từ sự cố đề thi môn Toán bị mờ khiến thí sinh hiểu nhầm đề trong kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm 2023, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương tha thiết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hội đồng thi của các tỉnh, thành sẽ được in bổ sung một bì đề thi được đóng dấu là bản chính cho mỗi môn của từng điểm thi, phục vụ cho việc kiểm tra, đối soát trong trường hợp đề thi mờ hoặc nhòe. Theo ông Cương, hiện quy chế thi chỉ quy định mỗi điểm thi có một hoặc hai bì đề thi dự phòng. Những túi đề thi này chỉ được sử dụng in sao trong trường hợp thiếu đề thi.

Ông Cương cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian tổ chức kỳ thi ngay trong khung kế hoạch thời gian của năm học để các địa phương chủ động trong kế hoạch các kỳ thi, tuyển sinh của địa phương, tránh trùng hay quá gần, gây khó khăn trong tổ chức thi.

vna_potal_bo_giao_duc_va_dao_tao_kiem_tra_cong_tac_chuan_bi_to_chuc_ky_thi_tot_nghiep_thpt_2024_tai_ha_noi_7436216.jpg
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, quận Tây Hồ. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Bên cạnh đó, quy định "bảo đảm các vật dụng mang vào phòng thi (bao gồm cả các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân) phải không chứa thông tin phục vụ mục đích gian lận thi cử và không có các tính năng lưu giữ, thu phát, truyền, nhận thông tin, hình ảnh dưới mọi hình thức" gây khó khăn khi cán bộ coi thi không có đủ năng lực phát hiện các thiết bị gian lận công nghệ cao. Việc không quy định danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi khiến cán bộ coi thi khó kiểm soát vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, dễ tạo cho thí sinh có sự lợi dụng sử dụng công nghệ cao để gian lận.

Ông Cương đề nghị Bộ Công an có phương án hướng dẫn an ninh tại các điểm thi trong việc kiểm tra, kiểm soát các thiết bị gian lận công nghệ cao tinh vi hoặc có tập huấn cụ thể với cán bộ coi thi tại các điểm thi. Nêu dẫn chứng máy tính cầm tay Casio 850 có chứa thông tin về môn Hóa học như bảng tuần hoàn, bảng tính tan, ông Cương kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành hướng dẫn danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi, hoặc có gợi ý danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi giúp cho cán bộ coi thi dễ kiểm tra, kiểm soát.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng nêu khó khăn về công tác xác minh tính xác thực của các chứng chỉ ngoại ngữ đề nghị miễn bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp của thí sinh Hà Nội do số lượng chứng chỉ rất nhiều, khoảng trên 20.000 chứng chỉ cần xác thực mỗi năm. Một số đơn vị cấp chứng chỉ phản hồi kết quả xác thực chậm, muộn nên ảnh hưởng đến tiến độ kỳ thi, ví dụ môn tiếng Pháp cần phải xác nhận thông qua đại sứ quán Pháp. Để giải quyết vấn đề này, ông Cương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị cấp chứng chỉ, đặc biệt là các đơn vị được Bộ Giáo và Đào tạo quản lý, cấp phép phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo trong công tác xác minh tính xác thực của các chứng chỉ ngoại ngữ do đơn vị cấp đảm bảo đúng thời gian theo quy định của kỳ thi.

“Mọi khâu đều phải kỹ lưỡng”

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng vẫn nhấn mạnh “tinh thần chung là tuyệt đối không được chủ quan, mọi khâu đều phải kỹ lưỡng vì một chút sơ suất khi xảy ra sự cố sẽ phải trả giá rất đắt, thậm chí ảnh hưởng toàn quốc.”

vna_potal_bo_giao_duc_va_dao_tao_kiem_tra_cong_tac_chuan_bi_to_chuc_ky_thi_tot_nghiep_thpt_2024_tai_ha_noi_7436213.jpg
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo thăm hỏi, động viên học sinh lớp 12 ôn thi tại Trường Trung học phổ thông Trần Phú. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Qua công tác kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Thứ trưởng đặc biệt lưu ý các điểm thi phải có các ngăn đựng đề có cánh cửa riêng cho từng môn thi để tránh rút nhầm đề thi và đề nghị Ban chỉ đạo thi thành phố Hà Nội quán triệt đến tất cả các điểm thi trên địa bàn.

Trước đề nghị này, bà Vũ Thu Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu toàn bộ các điểm thi phải đáp ứng được yêu cầu của đoàn kiểm tra nêu. “Tất cả các điểm thi phải có tủ đựng đề thi với các ngăn riêng, có cánh cửa và niêm phong cho từng môn thi, tương tự như vậy với các tủ đựng bài thi,” bà Hà nhấn mạnh.

Về kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc đưa đề thi chính đến các điểm thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay vấn đề này nằm trong quyền chủ động của các địa phương.

Về vấn đề xác minh chứng chỉ ngoại ngữ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc có thêm giấy xác thực là thêm “giấy phép con”. Theo đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Hà Nội miễn thi cho thí sinh nếu có chứng chỉ và thực hiện xác minh sau kỳ thi, có thể thực hiện theo xác suất. Nếu phát hiện chứng chỉ giả, thí sinh sẽ phải chịu trách nhiệm và bị huỷ kết quả.

Lưu ý Hà Nội là nơi có số lượng thí sinh lớn, địa bàn rộng, lực lượng tham gia đông, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Hà Nội cần phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng, phân rõ người, rõ vai, rõ việc, rõ trách nhiệm, thẩm quyền. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Hà Nội quán triệt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải tổ chức kỳ thi “tuyệt đối an toàn”, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố lựa chọn con người trong tham gia tổ chức thi.

Tại buổi làm việc, bà Vũ Thu Hà đã chỉ đạo ban chỉ đạo thi các quận, huyện của thành phố rà soát từng điểm thi. “Ngày 25/6, Ban chỉ đạo thành phố sẽ kiểm tra bất cứ một điểm thi nào,” bà Hà nói.

Năm nay Hà Nội có 108.573 thí sinh đăng ký dự thi, đông nhất cả nước. Trong đó có 94.935 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục trung học phổ thông, 13.638 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên. Có gần 4.600 thí sinh tự do.

Thành phố đã bố trí 4.532 phòng thi, trong đó có 201 phòng thi ghép, tại 196 điểm thi. Số phòng chờ là 176 phòng, 392 phòng thi dự phòng.

Thành phố đã điều động 15.115 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi; gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi; 566 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi; thành lập tổ giám sát gồm 14 nhóm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục