Vì sao nhiều hộ dân tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn "chê” nước sạch

TP. HCM: Dân không dùng nước sạch, đơn vị đầu tư lo lỗ vốn

Vào đầu năm nay, với nhiều nỗ lực TP.HCM hoàn thành chương trình cấp nước sạch cho 100% hộ dân nhưng nhiều nơi ở thành phố vẫn còn hàng trăm ngàn gia đình không chịu sử dụng nước sạch.
Khánh thành và đưa vào sử dụng một nhà máy nước sạch. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Vào đầu năm nay, với nhiều nỗ lực Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành chương trình cấp nước sạch cho 100% hộ dân.

Thế nhưng, tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố vẫn còn hàng trăm ngàn gia đình không chịu sử dụng nước sạch sau khi đã được lắp đặt đồng hồ nước, đường ống dẫn nước sạch vào tận nhà.

Thực tế này đã gây lãng phí không ít nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cũng như thiệt hại về kinh tế cho các đơn vị đầu tư.

Thói quen và vấn đề kinh tế

Dù được đầu tư đường ống và gắn đồng hồ nước trong 4 năm qua nhưng hộ ông Trương Xánh, phường 8, quận Gò Vấp, chỉ sử dụng nước máy không quá 1m3 mỗi tháng.

Ông Trương Xánh chia sẻ: “Vì đã quen sử dụng nước giếng trong nhiều năm nên không chuyển hoàn toàn sang nước máy. Nếu nước giếng nhiễm bẩn hoặc hư thiết bị lọc thì mới sử dụng nước máy, nếu cúp điện không bơm được nước máy lên bồn chứa, tôi vẫn có nước giếng để sử dụng.”

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền cũng ở phường 8, quận Gò Vấp​, dù đã được gắn đồng hồ nước từ lâu nhưng hoàn toàn không sử dụng nước sạch trong 2 năm nay.

Chia sẻ về tình trạng này, bà Thanh Tuyền ​nói: “Nhiều năm qua, gia đình tôi đã quen sử dụng nước giếng khoan; nước được bơm lên bồn có gắn thiết bị lọc để sử dụng trong sinh hoạt và ăn uống."

"Khi được vận động, gia đình tôi có thử chuyển sang sử dụng nước máy nhưng không quen với mùi của nước máy trong sử dụng nấu ăn, tắm giặt nên quay lại dùng hoàn toàn nước giếng. Gia đình tôi 4 người mà tất cả tiền điện trong sinh hoạt, bơm nước mỗi tháng chỉ tốn 300.000 đồng, nên thấy rất tiết kiệm chi phí khi sử dụng nước giếng.”

Trong khi đó, gia đình ông Trương Thanh Hảo ở quận Gò Vấp, chỉ sử dụng 0,5m3 nước sạch mỗi tháng trong ăn uống, mọi sinh hoạt còn lại trong gia đình đều sử dụng nước giếng khoan.

Để đảm bảo chất lượng nước giếng, ông Thanh Hảo đầu tư bộ lọc 7 triệu đồng và 6 tháng thay thiết bị lọc một lần với kinh phí 400.000 đồng/lần.

Theo ông Hảo, vì vợ chồng ông có lương hưu thấp và phải chăm sóc hai người cháu cho con đi làm nên sử dụng vừa nước giếng, vừa nước máy để tiết kiệm chi phí.

Theo thống kê của công ty cấp nước, trên địa bàn phường 8, quận Gò Vấp, hiện có 2.500 hộ dân không sử dụng hoặc sử dụng rất ít nước sạch (dưới 4 m3/tháng) trong tổng số 5.900 đồng hồ nước trên địa bàn.

Công ty cổ phần cấp nước Trung An, đơn vị cung cấp nước sạch cho địa bàn quận Gò Vấp, quận 12 và huyện Hóc Môn, cho biết đang đứng trước nguy cơ kinh doanh thua lỗ do có hơn 100.000 hộ dân không sử dụng nước sạch.

Cụ thể, quận 12 có hơn 37.000 hộ không sử dụng hoặc sử dụng rất ít nước máy, huyện Hóc Môn có 33.000 hộ và quận Gò Vấp là trên 30.000 hộ.

Trong khi đó, để hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân trên địa bàn các quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, trong giai đoạn 2013-2016, Công ty cổ phần cấp nước Trung An đã đầu tư hơn 1 triệu mét đường ống dẫn nước, 150 bồn chứa nước, hơn 200 đồng hồ tổng, trên 150.000 đồng hồ nước với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.

Kiểm soát khai thác nước ngầm

Hiện nay, tình trạng người dân khai thác và sử dụng nước ngầm không chỉ diễn ra ở các quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn mà xảy ra trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với số lượng lớn.

Theo số liệu của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trong tổng số gần 1,3 triệu đồng hồ nước trên địa bàn Thành phố có hơn 100.000 hộ không sử dụng nước sạch và gần 140.000 hộ chỉ sử dụng 1-4 m3/tháng.

Đồng thời, theo số liệu Sở Tài nguyên và Môi trường, khối lượng nước ngầm đang khai thác trên địa bàn khoảng 530.000 m3/ngày đêm, chiếm gần 1/3 khối lượng nước sạch mà người dân sử dụng mỗi ngày.

Qua số liệu của hai đơn vị này cho thấy khoảng 240.000 hộ gia đình và các doanh nghiệp đang khai thác, sử dụng nước ngầm với khối lượng 530.000 m3/ngày đêm.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lượng nước ngầm khai thác hơn 500.000 m3/ngày đêm làm mực nước ngầm bị hạ thấp, tạo thành một cái phễu rỗng, tiềm ẩn nguy cơ sụt lún diện rộng.

Trước tình hình này, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án “Lập bản đồ vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm tại Thành phố Hồ Chí Minh.”

Theo đó, sẽ cấm khai thác nước ngầm khu vực quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11 và một phần huyện Nhà Bè. Tổng diện tích vùng cấm khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố rộng 195km2; vùng hạn chế khai thác rộng 1.268km2 và vùng được khai thác nước dưới đất rộng 572km2 (chủ yếu phân bố ở các quận 12, Hóc Môn và Củ Chi).

Diện tích vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm phân bố ở khu công nghiệp, khu dân cư sử dụng nước ngầm lớn, những nơi có mực nước ngầm thấp hơn giới hạn cho phép, khu vực nước ngầm đã bị ô nhiễm nitơ với hàm lượng 7mg/lít trở lên, có hiện tượng lún sụt mặt đất.

Tại khu vực cấm và hạn chế khai thác nước ngầm, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ điều tra hiện trạng khai thác nước ngầm và lập phương án trám lấp giếng khoan một cách khoa học.

Về giải pháp vận động người dân hạn chế sử dụng nước giếng, chuyển sang dùng nước sạch, ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đề xuất: Các địa phương cần đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch; chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của người dân về tác hại sụt lún khi khai thác nước ngầm và những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người trong việc sử dụng nước ngầm lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục