TP Hồ Chí Minh bước vào năm học mới trong bối cảnh dịch COVID-19

Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp tối ưu, tuy nhiên cũng nảy sinh nhiều bài toán cần phải giải quyết trong những ngày tới.
TP Hồ Chí Minh bước vào năm học mới trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh 1Học sinh học trực tuyến tại nhà. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cùng với khó khăn trong công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ, Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương sẽ bắt đầu năm học mới 2021-2022 với hình thức dạy học trực tuyến.

Trong tình hình hiện nay, việc dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp tối ưu, tuy nhiên cũng đang đặt ra nhiều bài toán cần phải giải quyết trong những ngày tới.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, công tác chuẩn bị cho năm học mới của thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh việc hàng trăm trường học đang được trưng dụng để thực hiện công tác phòng chống dịch, nhiều giáo viên thuộc diện F0, F1 thì việc tuyển sinh đầu cấp cũng chưa hoàn tất, chưa phân phối sách giáo khoa mới tới học sinh.

Ngổn ngang cơ sở vật chất

Năm học 2021-2022, dự kiến Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1,74 triệu học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, tăng thêm 31.000 em so với năm học trước. Trong đó, số học sinh không có hộ khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh hơn 370.000 em, chiếm khoảng 22% số học sinh toàn thành phố.

Học sinh tăng mạnh ở cấp tiểu học, tập trung tại những địa phương đang đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học cao như thành phố Thủ Đức, các quận Bình Tân, Gò Vấp, 12, hai huyện Bình Chánh và Hóc Môn...

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn với thành phố nhiều năm nay là tình hình tăng dân số cơ học và học sinh ở mức cao, cơ sở vật chất, trường lớp không đáp ứng kịp.

Áp lực này đã làm gia tăng sỹ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (đặc biệt ở cấp tiểu học), tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày thấp, có những quận chỉ có trên 20% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, các điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp.

[TP.HCM tổ chức học trực tuyến đến hết học kỳ 1 năm học 2021-2022]

Trong khi đó, thành phố hiện đang gặp trở ngại về mặt pháp lý trong việc điều chỉnh quy hoạch đất cho giáo dục, công tác cấp phép, thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn, chưa có hướng tháo gỡ. Do vậy, tỷ lệ trường ngoài công lập có xu hướng giảm, trong 2 năm nay, số trường phổ thông ngoài công lập không tăng, chỉ tăng một số ít cơ sở giáo dục mầm non.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài khiến ngành Giáo dục thành phố gặp khó khăn trước khi năm học mới bắt đầu. Theo kế hoạch, dự kiến đến tháng 12/2021 thành phố sẽ đưa vào sử dụng 51 dự án với 801 phòng học mới, trong đó có 591 phòng học mới được đưa vào sử dụng ngay từ ngày đầu năm học mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các công trình xây dựng, sửa chữa trường, lớp mới đều tạm ngưng dẫn đến chậm tiến độ.

Mặt khác, hầu hết cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do ảnh hưởng của dịch, nhất là bậc mầm non. Chỉ tính riêng trong năm học 2020-2021, toàn thành phố đã có 120 cơ sở, nhóm trẻ và 27 trường mầm non xin ngừng hoạt động, giải thể.

Thành phố hiện có 249 trường học đang dùng làm nơi cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, tiêm vaccine, thời gian sắp tới chưa thể bàn giao cho ngành Giáo dục để chuẩn bị cho công tác dạy học. Các cơ sở giáo dục khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, bàn giao lại cho ngành Giáo dục thì cần ít nhất hai tuần để sửa chữa, cải tạo cho phù hợp. Điều này tạo áp lực lớn về cơ sở vật chất, trường lớp khi thành phố tổ chức năm học mới.

Tăng cường phân phối sách giáo khoa

Trong tình hình thực hiện giãn cách xã hội, việc phân phối sách giáo khoa ở thành phố cũng gặp khó khăn. Đến nay, nhiều học sinh chưa có sách giáo khoa, dù đã đăng ký mua tại trường hoặc đặt hàng trực tuyến.

Có con năm nay lên lớp 2, chị Nguyễn Thị Dịu (thành phố Thủ Đức) cho biết, chị đã đăng ký mua sách giáo khoa cho con ở trường nhưng đến nay chưa được thông báo nhận sách, trong khi năm học mới đã cận kề. Cô giáo của con thông báo và gửi đường link sách điện tử để phụ huynh, học sinh tiếp cận nếu chưa có sách. Còn chị Thanh Nhàn (Quận 3) cho biết, chị đã tìm hiểu đặt hàng trực tuyến ở một số hệ thống nhà sách nhưng thời gian hẹn giao hàng khá lâu.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều trường đã linh hoạt trong việc hỗ trợ phụ huynh mua sách giáo khoa. Chị Nguyễn Thị Phương (thành phố Thủ Đức) cho biết, con chị năm nay học lớp 2. Nhà trường vừa thông báo sẽ giao sách đến tận nhà trong tháng 8 đối với những phụ huynh đã đăng ký mua sách tại trường trước đó. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong tình hình giãn cách hiện nay, vừa không phải ra khỏi nhà vừa đảm bảo có sách giáo khoa cho con trước năm học mới.

TP Hồ Chí Minh bước vào năm học mới trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh 2Sách giáo khoa dành cho lớp 1 và lớp 2 gặp khó khăn trong việc phân phối.. (Ảnh: PV)

Về công tác phân phối sách giáo khoa, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện có hơn 95% sách giáo khoa từ lớp 3 đến lớp 12 đã được chuyển đến trường. Chỉ có sách giáo khoa dành cho lớp 1 và lớp 2 gặp khó khăn trong việc phân phối.

Do trước đó các lớp 2, lớp 6 phải mất thêm thời gian chọn sách giáo khoa mới, còn lớp 1 thì được chọn lại sách nên việc bố trí, phân phối sách giáo khoa gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, hiện sách giáo khoa chưa nằm trong danh sách hàng hóa thiết yếu, do đó, Sở đề xuất các cơ quan chức năng tạo điều kiện để sách giáo khoa được vận chuyển tới trường. 

Hiện ngành giáo dục thành phố cũng xây dựng kế hoạch hướng dẫn phụ huynh học sinh đăng ký mua sách giáo khoa, các Phòng Giáo dục và Đào tạo đăng ký với địa phương về thời gian, cách thức để phụ huynh đến trường nhận sách. Đảm bảo học sinh có sách giáo khoa trước ngày khi bắt đầu năm học, hiện bản điện tử sách giáo khoa từ lớp 1 đến 12 đều đã được đăng tải trên website của Sở và các trường, phụ huynh, học sinh có thể tham khảo trước.

Năm học 2021-2022, các lớp 1, lớp 2, lớp 6 sẽ thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sách giáo khoa mới, theo lộ trình. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, đến nay, 100% giáo viên dạy các lớp này đã được tập huấn dạy sách giáo khoa mới, thông qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, thành phố lại đối mặt với khó khăn do thiếu đội ngũ giáo viên cho năm học mới.

Hiện thành phố có 1.960 giáo viên diện F0, F1; trong khi đó, việc tuyển giáo viên mới đáp ứng yêu cầu dạy học năm học mới cũng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở Giáo dục vào Đào tạo cần tuyển gần 388 giáo viên và 49 nhân viên cho các trường trung học phổ thông, đơn vị trực thuộc chưa được phân cấp tuyển dụng. 

Còn ở khối các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, cần tuyển hơn 5.500 giáo viên, nhân viên trong các trường từ mầm non cho đến trung học cơ sở. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng không thể hoàn thành trong tháng 8 để kịp cho năm học mới, nhiều địa phương dự kiến đến giữa tháng 10 mới có thể hoàn thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục