Đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục bậc Tiểu học và Trung học Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất việc nghiên cứu, thảo luận, đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 thực hiện trong năm học 2021-2022.
Đây là những bước đầu tiên trong quy trình chọn sách giáo khoa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Để việc lựa chọn sách được đảm bảo, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả giáo viên trong các cơ sở giáo dục đều phải nghiên cứu, thảo luận và bỏ phiếu đề xuất lựa chọn sách giáo khoa.
Theo thầy Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (Quận 4), đến nay, công tác nghiên cứu, lựa chọn sách tại trường đã hoàn tất và báo cáo lên Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Riêng về cơ sở vật chất, nhà trường đảm bảo đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh khối lớp.
Tương tự, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Bình Chánh) đã hoàn tất việc đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 2.
Thầy Nguyễn Văn Nguyện, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, các quy trình đều tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ, ngành Giáo dục thành phố trên nguyên tắc công khai, minh bạch.
Thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) cho biết, trước khi tổ chức các cuộc họp chọn sách ở cấp tổ chuyên môn đến cấp trường, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu sách giáo khoa rất kỹ.
Quy trình thực tổ chức lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện bài bản theo đúng quy định, hướng dẫn và đảm bảo tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, theo thầy Phạm Thái Hồ, giáo viên cũng gặp khó khăn khi thời gian để nghiên cứu sách giáo khoa còn khá ít. Giáo viên chỉ có khoảng 1 tháng nghiên cứu và lựa chọn sách.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, đến nay, các trường đã hoàn tất việc đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 theo đúng tiến độ.
Về quy trình chọn sách giáo khoa, giáo viên có thể nghiên cứu trực tiếp bản mẫu hoặc bản online các sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Sau khi nghiên cứu, giáo viên đưa ra ý kiến và bỏ phiếu kín đề xuất lựa chọn sách giáo khoa theo tổ chuyên môn.
Tiếp đó, nhà trường tổ chức cuộc họp gồm Ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn, đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá về sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách đề xuất của giáo viên.
[Nhà xuất bản Giáo dục lên tiếng về hai bộ sách giáo khoa 'biến mất']
Việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 bảo đảm tính kế thừa, dựa trên những thuận lợi của việc dạy học thời gian qua ở lớp 1.
Chia sẻ về quá trình tổ chức và tiêu chí lựa chọn sách, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục phổ thông tại thành phố phải phù hợp đặc điểm kinh tế-xã hội, giúp các em thấm nhuần, tự hào với văn hóa truyền thống, năng động, sáng tạo, nghĩa tình của thành phố; đáp ứng được định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế...
Đồng thời, sách giáo khoa được chọn phải phù hợp điều kiện tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, từ điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, đến năng lực, trình độ của đội ngũ quản lý, giáo viên.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hiện thành phố có 9 Hội đồng chọn sách giáo khoa cho môn học và một hoạt động trải nghiệm ở khối lớp 2.
Đối với sách giáo khoa lớp 6, thành phố có 11 hội đồng chọn sách ở 10 môn học và một hoạt động trải nghiệm.
Sau khi Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thành phố báo cáo kết quả chọn sách, các Hội đồng này sẽ làm việc.
Dự kiến, cuối tháng 3/2021, thành phố sẽ công bố danh mục sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện trong năm học tới.
Cùng với đảm bảo tiến độ và quy trình lựa chọn sách giáo khoa, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu các trường rà soát hiện trạng và mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6 để đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình quy định./.