Việc triển khai các dự án xây dựng trường học chậm tiến độ trong khi tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm rất cao, khiến nhiều địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó trong thực hiện mục tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3 đến 18 tuổi) vào năm 2025.
Từ thực tế đó, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được ngành giáo dục thành phố và các địa phương nêu ra tại Hội nghị về thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/3.
Khó đạt chỉ tiêu
Quận 12 là một trong những quận có áp lực rất lớn về trường, lớp do tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm cao. Nhiều trường tiểu học tại quận này có trên 50 lớp, nhiều lớp có sỹ số hơn 60 học sinh.
Bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 12, cho biết đến cuối năm 2022 quận đạt 235 phòng học/10.000 dân. So sánh tốc độ tăng dân số với tiến độ thực hiện dự án xây dựng trường học hiện nay thì chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân vào năm 2025 rất khó thực hiện.
Nếu hoàn thành được 23 dự án trường học với 591 phòng học mới theo kế hoạch đề ra, đến năm 2025 quận mới đạt được tỷ lệ 240 phòng học/10.000 dân.
[Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục]
Đạt được chỉ tiêu này đã khó, việc thực hiện mục tiêu 300 phòng học với địa phương là không thể do thiếu quỹ đất cũng như vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Theo bà Võ Thị Chính, ngoài quỹ đất sạch do thành phố quản lý, quận cũng đã rà soát và kiến nghị thành phố thu hồi 14 khu đất công ty, xí nghiệp do nhà nước quản lý nhưng không sử dụng từ nhiều năm nay; nếu thu hồi được 14 khu đất này đưa vào quỹ đất giáo dục sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho quận.
Bên cạnh đó, việc triển khai dự án trường học hiện nay rất khó khăn, nhất là quy định đầu tư công có thủ tục rất phức tạp.
Để đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân, đến năm 2025 quận Gò Vấp phải xây thêm 269 phòng học nhưng dự kiến quận chỉ có thể xây thêm 77 phòng.
Bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp, nhìn nhận thực tế, việc hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học không hề đơn giản. Khó khăn lớn nhất là khâu đền bù giải phóng mặt bằng để có đất làm dự án. Quận kiến nghị thành phố xem xét nâng giá bồi thường đất lên mức phù hợp hoặc điều chỉnh dự án đưa một phần vào tái định cư, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Thành phố cũng có thể xem xét điều chỉnh một phần quỹ đất công nghiệp để bổ sung quỹ đất xây dựng trường học.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện thành phố đạt 294 phòng học/10.000 dân, nhưng tỷ lệ ở cấp tiểu học và trung học cơ sở đạt thấp, lần lượt là 256 và 232 phòng học. Trong khi 12/22 địa phương đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân thì một số quận, huyện đạt tỷ lệ rất thấp, như quận Gò Vấp chỉ đạt 205 phòng học, quận 12 đạt 235 phòng học, huyện Bình Chánh đạt 260 phòng học, huyện Hóc Môn chỉ đạt 211 phòng học…
Thậm chí, trong kế hoạch đề ra đến năm 2025, nhiều quận, huyện xác định không thể đạt được chỉ tiêu này. Việc quy hoạch đất giáo dục tại các quận, huyện đến nay cũng còn thấp, đạt chưa đến 50% so với chỉ tiêu đã được thành phố phê duyệt từ năm 2003.
Tính chung toàn thành phố, để đạt được chỉ tiêu đề ra, đến năm 2025, thành phố cần có thêm hơn 7.700 phòng học, nhưng theo kế hoạch thành phố chỉ xây được hơn 3.300 phòng học, còn thiếu hơn 4.000 phòng.
Phối hợp tháo gỡ khó khăn
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá toàn thành phố đã tiệm cận chỉ tiêu đề ra nhưng còn có khoảng cách xa giữa các bậc học, giữa các địa bàn. Thực tế, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân được đưa ra chỉ đáp ứng với Chương trình giáo dục phổ thông cũ, nếu so với Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu học sinh các bậc học được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ phòng học còn tăng lên rất nhiều.
Ông Dương Anh Đức cho rằng nếu các địa phương không có sự quan tâm đúng mức cho phát triển mạng lưới trường lớp thì chủ trương "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" sẽ chỉ dừng ở khẩu hiệu. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về kinh tế, theo đó Thành phố cũng phải đạt mục tiêu đảm bảo các điều kiện an sinh xã hội, nhất là về chỗ học cho học sinh với điều kiện tương đối. Vì thế, các sở, ngành, địa phương phải cùng nghiêm túc nhìn nhận thực tế để cùng tháo gỡ khó khăn.
Mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân phải được cụ thể hóa theo từng địa phương, từng bậc học chứ không dựa trên mục tiêu chung toàn thành phố.
Trên cơ sở tổng rà soát lại nguồn lực về cơ sở vật chất cho giáo dục, các địa phương, sở, ngành liên quan mạnh dạn đề xuất các giải pháp đặc thù như tăng số tầng dự án trường học hoặc tạm thời cho phép sử dụng đất ở làm đất giáo dục với các dự án trường ngoài công lập thuê đất ở…
"Khi chất lượng giáo dục đồng đều thì sẽ không còn chuyện chạy trường, không còn chuyện học sinh ở ngoại thành chạy vào nội thành học. Trong xây dựng trường lớp, các địa phương cũng cần tính toán khoảng cách vật lý chứ không chỉ dựa trên ranh giới hành chính, từ đó có quy hoạch "liên phường" trong xây dựng trường để tạo điều kiện cho các em đi học thuận tiện nhất," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Dương Anh Đức lưu ý.
Theo quy định, các dự án xây dựng khu đô thị mới đều phải dành đất cho giáo dục, y tế. Chủ đầu tư các dự án này phải giao mặt bằng đất cho các địa phương để đầu tư xây dựng trường học.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng phối hợp tổng rà soát việc thực hiện quy hoạch các dự án này và đề xuất phương án với những dự án đã xây dựng nhưng sử dụng không đúng mục đích đất dành cho giáo dục.
"Đất giáo dục phải dành cho giáo dục, đất y tế phải dành cho y tế, mục đích chính là phục vụ người dân," ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Trước những khó khăn trong triển khai dự án giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị thành phố ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh tiến độ các dự án trường học đáp ứng yêu cầu phát triển của từng địa bàn, tập trung cho các khu vực có tốc độ tăng dân số cao.
Thành phố có cơ chế, giải pháp đặc thù để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa, như ưu đãi về đất đai, thuế, thủ tục hành chính…
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có giải pháp hỗ trợ các quận, huyện tháo gỡ cho các dự án chậm triển khai, quỹ đất còn vướng do nhiều nguyên nhân; tăng thêm quỹ đất cho ngành giáo dục bằng nhiều giải pháp như di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả, ưu tiên để xây dựng trường học./.