TP Hồ Chí Minh tập trung củng cố kiến thức cho học sinh cuối cấp

Với học sinh cuối cấp, các nhà trường đảm bảo trang bị đủ kiến thức căn bản, tập trung ôn luyện để các em đạt hiệu quả cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.
TP Hồ Chí Minh tập trung củng cố kiến thức cho học sinh cuối cấp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Sau hơn 2 tuần cho học sinh các cấp đi học trở lại theo lộ trình nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch, hiện tại, việc dạy học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đi vào ổn định.

Các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông đều tập trung vào việc đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch, củng cố kiến thức cho học sinh.

Đặc biệt, đối với học sinh cuối cấp, các nhà trường đảm bảo trang bị đủ kiến thức căn bản, tập trung ôn luyện để các em đạt hiệu quả cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển Đại học.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du, quận 10 cho biết nhờ đáp ứng đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch, từ ngày 11/5 vừa qua, trường đã tổ chức học 2 buổi/ngày và mở cửa căng tin khi Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép. Hoạt động dạy và học tại trường đã trở lại bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Về chương trình dạy học, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du đã thực hiện dạy trực tuyến từ ngày 3/2 cho đến ngày 2/5 vừa qua dưới nhiều hình thức: E-Learning, zoom, web trường nhưng tỷ lệ tham gia của học sinh thay đổi liên tục.

Trong tháng Hai vừa qua, học sinh học trực tuyến là 90%, tháng Ba giảm xuống còn 70%; đến tháng Tư, nhà trường siết mạnh việc điểm danh và mời phụ huynh, số học sinh học trực tuyến đạt 96%.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, những con số trên cũng chỉ mang tính hình thức do có rất nhiều học sinh lên hệ thống trực tuyến điểm danh rồi đi ngủ, giáo viên rất khó kiểm soát hết.

Mặt khác, vào thời điểm đó, cả nước đều tiến hành học online khiến đường truyền Internet bị quá tải, nhiều học sinh không đăng nhập được nên không hứng thú với việc học trực tuyến.

[Công bố dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông]

“Các giáo viên nhận định hiệu quả truyền đạt và tiếp thu kiến thức qua dạy học trực tuyến không cao vì nhiều lý do khác nhau. Cụ thể, nền giáo dục của Việt Nam trước nay đều dạy theo lối truyền thống là trực tiếp thầy và trò, chưa có thói quen sử dụng công nghệ cho dạy học nên không phải thầy cô, học sinh nào cũng có phương tiện dạy học trực tuyến, cơ sở hạ tầng ở từng trường cũng còn nhiều hạn chế.

Về mặt chuyên môn, trong 3 tháng dạy học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới cho lấy 1 cột điểm kiểm tra thường xuyên, điều này khiến không ít học sinh lơ là. Mặc dù không phải là toàn bộ kết quả dạy học nhưng kiểm tra và điểm số là công cụ hữu hiệu để học sinh tham gia học tập một cách nghiêm túc,” thầy Huỳnh Thanh Phú phân tích thêm.

Chính vì vậy, khi đi học trở lại, nhà trường triển khai công tác vừa học kiến thức mới, vừa ôn kiến thức cũ để kết thúc chương trình đúng thời gian quy định. Đối với học sinh lớp 12, nhà trường đang sắp xếp để các em hoàn tất các bài kiểm tra định kỳ và kiểm tra thường xuyên theo quy định.

Các giáo viên tiến hành kiểm dò lại toàn bộ kiến thức đã học, kết hợp với phần tinh giản chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố để giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức của từng môn, hoàn tất chương trình kiểm tra học kỳ 2 trước ngày 20/6 tới và chuyển qua giai đoạn ôn tập thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Nhà trường đã hướng dẫn học sinh lớp 12 đăng ký khối thi, ngoài ba môn bắt buộc là Ngữ Văn, Toán và Ngoại ngữ, mỗi em sẽ chọn một trong hai tổ hợp môn thi Khoa học tự nhiên (Vật Lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch Sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) để xét tốt nghiệp.

Đồng thời, học sinh được hướng dẫn đăng ký nguyện vọng mà các em sử dụng chính để xét tuyển Đại học hoặc thi đánh giá năng lực đối với một số trường đại học. Trên cơ sở đó, trường chia lớp theo tổ hợp, sau khi hoàn thành kiểm tra học kỳ 2, học sinh sẽ chuyển sang giai đoạn ôn tập theo lớp đã chia để đạt hiệu quả cao nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển vào Đại học.

Tương tự, tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, sau hai tuần thực hiện dạy xen kẽ và giãn cách học sinh, hoạt động dạy học của trường đã căn bản đi vào nề nếp, ổn định như trước thời điểm nghỉ dịch. Trường đã tổ chức dạy học hai buổi/ngày và sắp xếp bán trú để học sinh tập trung học tập trong giai đoạn nước rút, tạo thuận lợi cho phụ huynh đưa đón con em đến trường.

Công việc trọng tâm được nhà trường và giáo viên tập trung trong những tuần đầu dạy học trở lại là khảo sát hiệu quả dạy học trực tuyến. Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân có thuận lợi là 100% học sinh đều tham gia học trực tuyến. Hầu hết học sinh của trường có khả năng tự học và tiếp thu kiến thức khá tốt.

TP Hồ Chí Minh tập trung củng cố kiến thức cho học sinh cuối cấp ảnh 2Học sinh học trực tuyến trong thời gian không đến trường do dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân đánh giá: So với học tập trung tại trường, mức độ tiếp thu kiến thức qua dạy học trực tuyến của học sinh được giáo viên đánh giá chỉ đạt từ 60-70%.

Nguyên nhân là do việc học nhiều tiết liên tục trên máy tính khiến sức khỏe và sự tập trung của học sinh giảm dần. Chưa kể, học trực tuyến cũng hạn chế về mặt tương tác, nhắc nhở trực tiếp từ giáo viên và sự thi đua giữa các học sinh với nhau khiến các em mất động lực học tập. Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy có độ vênh nhất định về mức độ tiếp thu kiến thức giữa các nhóm học sinh khác nhau.

Để khắc phục tình trạng trên, khi học sinh quay lại trường, hầu hết giáo viên bộ môn phải sàng lọc, tách những em có mức độ tiếp thu bài chậm, ít tương tác trong quá trình học trực tuyến để phụ đạo, bổ sung kiến thức vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, giúp các em lấp lỗ hổng kiến thức và theo kịp chương trình.

Ở cấp Trung học Cơ sở, thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan, quận Bình Thạnh cho biết trong thời gian tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên chủ yếu ôn tập, củng cố lại kiến thức đã học giúp học sinh duy trì trạng thái ghi nhớ.

Giáo viên chỉ lồng ghép một phần kiến thức mới nên đa số học sinh đều tiếp thu được. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến do về quê hay gia đình không có máy tính. Do đó, nhà trường và giáo viên đã chủ động xây dựng kế hoạch, lập các nhóm ôn tập riêng cho những học sinh này, đảm bảo các em được củng cố kiến thức cũ và cập nhật những bài học mới theo đúng tiến độ chung của cả trường.

Theo thầy Phạm Thái Hồ, mặc dù việc học tập trung bị gián đoạn do dịch COVID-19 nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc xét tốt nghiệp Trung học Cơ sở đối học sinh lớp 9 do trước đó, nhà trường đã ưu tiên củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian dạy học trực tuyến. Theo kế hoạch, khối 9 sẽ hoàn thành chương trình trước ngày 30/6 tới và chuyển sang ôn tập thi tuyển sinh lớp 10.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản hướng dẫn thi tuyển vào lớp 10 Trung học Phổ thông năm học 2020-2021. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra từ ngày 15-17/7 tới.

Dự kiến, ngày 29/7 tới, Sở sẽ công bố kết quả điểm số và điểm chuẩn tuyển sinh Trung học Phổ thông chuyên, tích hợp và diện tuyển thẳng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục