TP.HCM cảnh báo nguy cơ cháy nổ cao ở khu dân cư, hàng quán

Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cảnh báo nguy cơ cháy nổ cao tại nhiều điểm kinh doanh giải trí khu dân cư trong dịp Tết Nguyên đán.
Hiện trường vụ cháy quán karaoke New, tại số 180 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TP.HCM, vào lúc 21 giờ ngày 30/12. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Ngay sau vụ cháy lớn xảy ra ở phường 7, quận 3, làm một người tử vong và 8 căn nhà bị hư hại nặng vào đêm 30/12, ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cảnh báo về nguy cơ cháy nổ cao tại nhiều điểm kinh doanh dịch vụ giải trí trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Không lối thoát hiểm, nhiều vật liệu dễ cháy

Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 246 vụ cháy, làm chết 18 người và bị thương 12 người (tính cả vụ cháy xảy ra đêm 30/12, số người bị chết do hỏa hoạn đã nâng lên con số 19). Trong đó phải kể đến vụ cháy làm chết 7 người tại tiệm làm tóc ở đường Nguyễn Trãi, quận 5, đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Liên hệ với vụ cháy đêm 30/12, hiện trường cho thấy những căn nhà trên đều kinh doanh dịch vụ có những vật liệu dễ bắt lửa (vật liệu làm tóc, thiết bị, mút xốp cách âm quán karaoke...).

Các căn nhà này đều không có cửa thoát hiểm, do đó nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ dẫn đến nguy cơ thương vong rất cao.

Theo nhận định của các ngành chức năng, vào dịp cuối năm vì lợi nhuận, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã có vi phạm trong sản xuất. Trong quá trình vận chuyển, chế biến, cất giữ hóa chất, sử dụng hóa chất, các cơ sở đã để xảy sự cố, nếu không kịp thời ứng phó sẽ bị thiệt hại rất nặng nề.

Mặt khác, do nhiều nơi công tác phòng cháy chỉ mới được các doanh nghiệp làm "chiếu lệ," đối phó với các cơ quan chức năng. Công tác an toàn cháy nổ vẫn chưa được chủ cơ sở, doanh nghiệp chú trọng.

Bên cạnh đó, tại nhiều nơi, nhất là các khu dân cư cũ, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy của người dân chưa cao, cùng với đó là tập quán sử dụng nhà vừa là nơi ở, vừa là địa điểm kinh doanh, thậm chí là nơi sản xuất, kho chứa hàng, dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao.

Theo thống kê của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân gây cháy ở các khu dân cư, hộ kinh doanh dịch vụ, chợ truyền thống, chủ yếu do sử dụng bất cẩn các thiết bị tiêu thụ điện, đun nấu, thờ cúng, lối đi, nơi ở có nhiều vật liệu dễ cháy.

Tại các chợ, sau khi ra về, nhiều tiểu thương quên không tắt các thiết bị tiêu thụ điện; tại các khu dân cư, người dân cũng thường quên, không khóa bếp gas và kiểm tra nhang đèn khi ra khỏi nhà; các quán karaoke bảng hiệu rất lớn, nguy cơ chập điện cao…

Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các nhà dân, hộ kinh doanh khi xây dựng đều không nghĩ tới lối thoát hiểm. Với tâm lý “Sợ trộm hơn sợ lửa” của người dân thì nguy cơ mắc kẹt trong đám cháy là rất cao. Đối với các địa điểm kinh doanh dịch vụ như quán karaoke, vũ trường, cũng tương tự khi có quá ít lối thoát hiểm trong khi những nơi này thường tập trung lượng người quá đông.

Sẵn sàng các phương án chữa cháy

Trước tình hình trên, ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với công tác phòng cháy chữa cháy dịp cuối năm trên địa bàn thành phố.

Theo ông Tất Thành Cang, bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng của các quận, các phường cần phối hợp tích cực hơn với Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tổ chức tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các khu dân cư, các khu kinh doanh dịch vụ, nơi tập trung đông người trong thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán. Với những hộ sau khi đã nhắc nhở mà không có biện pháp khắc phục sớm, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử phạt mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang yêu cầu lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố cần nâng cao hơn nữa công tác bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố để có các phương án phòng cháy tối đa, hạn chế thấp nhất những vụ cháy thương tâm xảy ra.

Đề cập đến công tác phòng cháy chữa cháy từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, ông Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy sẽ huy động 100% lực lượng trực chiến tại các khu vực trung tâm của thành phố. Về trang thiết bị chữa cháy, thành phố cũng đã đầu tư phương tiện hiện đại.

Các Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại quận, huyện đều được trang bị 6-12 xe chữa cháy; đối với đường thủy cũng được trang bị các loại tàu, canô chữa cháy với đầy đủ các loại máy bơm và công cụ hỗ trợ chữa cháy; trang bị cả xe chữa cháy “công nghệ 1.7” có thể đẩy nước lên cao để triển khai mũi lăng chữa cháy, tàu chữa cháy...

Theo ông Lê Tấn Bửu, vai trò của lực lượng chữa cháy tại chỗ cũng rất quan trọng. Nếu người dân phát hiện sớm, xử lý nhanh, sẽ kiềm chế được sự lan rộng của đám cháy, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản và tính mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục