Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục chính thức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc Tiểu học với lớp 1.
Cùng với khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, các điều kiện về đội ngũ, sách giáo khoa đã được thành phố tập trung chuẩn bị, sẵn sàng để triển khai hiệu quả chương trình mới.
Đảm bảo đầy đủ sách giáo khoa
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cả 5 bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều được các trường ở thành phố lựa chọn, trong đó phần lớn trường chọn bộ sách Chân trời sáng tạo (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ), chiếm 80%.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, nhận định đa số các trường học trên địa bàn thành phố lựa chọn bộ sách này bởi, bộ sách này có các tác giả là những cán bộ quản lý, giáo viên của thành phố tham gia thực hiện. Do vậy, nội dung gần gũi với giáo viên và học sinh hơn.
Tại quận Gò Vấp, tất cả các trường Tiểu học đều chọn bộ sách Chân trời sáng tạo.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, chia sẻ đến thời điểm hiện tại, sách giáo khoa đã được cung ứng về cho các trường, đảm bảo tất cả học sinh đủ sách trước khi bắt đầu năm học mới; cán bộ quản lý, giáo viên có đủ sách giáo khoa, sách giáo viên và sách bổ trợ tham khảo.
[Thành phố Hồ Chí Minh: Đưa vào sử dụng hơn 1.000 phòng học mới]
Cô Nguyễn Thị Hồng Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị (Quận 1), cho biết nhà trường đã thống nhất chọn bộ Chân trời sáng tạo khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc tuyển chọn được thực hiện khách quan, theo đúng hướng dẫn và quy định chung.
Cùng với bộ sách Chân trời sáng tạo, nhà trường khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên chọn thêm những cuốn sách giáo khoa khác mà giáo viên đánh giá cao để tham khảo trong việc thiết kế bài giảng.
Ngay sau khi có kết quả chọn sách giáo khoa, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cung ứng một lượng sách để nhà trường phân phối, phục vụ nhu cầu phụ huynh. Phụ huynh không cần đăng ký trước và phụ huynh các trường khác có nhu cầu đều có thể đến trường mua sách.
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, năm nay mỗi trường chọn một bộ sách riêng cho lớp 1. Vì vậy hầu hết phụ huynh đã đăng ký mua tại trường đảm bảo đầy đủ theo yêu cầu.
Chị Nguyễn Thị Dịu (Quận Thủ Đức) có con năm nay vào lớp 1 cho hay mỗi trường chọn một bộ sách riêng, do vậy, chị đăng ký mua tại trường để được đầy đủ hơn. Một số phụ huynh xem công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1 của trường rồi mua ở ngoài.
Tương tự, chị Thu Phương (Quận 9) cũng đăng ký mua sách cho con ngay tại trường để thuận tiện hơn.
Về vấn đề giá thành của bộ sách giáo khoa mới này khá cao, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong khoản kinh phí từ ngân sách cho các trường đều có khoản để mua sách giáo khoa dùng chung. Nếu có nhu cầu, các em học sinh có thể mượn từng cuốn hoặc cả bộ.
Nâng chất lượng đội ngũ
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên luôn là vấn đề được ngành Giáo dục thành phố chú trọng, từ việc tuyển dụng mới đến bồi dưỡng giáo viên đang công tác.
Năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tuyển gần 500 giáo viên, nhân viên để bổ sung nhân sự tại các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc.
Theo Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay có gần 1.300 ứng viên đăng ký dự tuyển vào các vị trí việc làm, qua vòng 1, chỉ có 1.186 ứng viên đủ điều kiện dự tuyển vòng 2 (thực hành).
Năm nay, công tác tuyển dụng giáo viên của Sở có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng nguồn tuyển.
Cụ thể, cùng với việc mở rộng đối tượng tuyển dụng không yêu cầu hộ khẩu thành phố đã được thực hiện 3 năm qua, năm nay, thành viên Ban Giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn các trường cũng tham gia Hội đồng tuyển dụng.
Điều này giúp các trường trực tiếp đánh giá được chuyên môn của từng ứng viên có đáp ứng được công việc thực tế không.
Các ứng viên được chọn nơi công tác ngay từ khi đăng ký dự tuyển, từ đó sẽ khắc phục được tình trạng giáo viên sau khi trúng tuyển không nhận nhiệm sở do nơi công tác không phù hợp điều kiện bản thân.
Qua 3 năm hực hiện bỏ yêu cầu hộ khẩu thành phố trong tuyển giáo viên, số lượng ứng viên là người ở các địa phương khác ngày càng tăng lên. Năm nay có tới 64% ứng viên không có hộ khẩu thành phố tham gia ứng tuyển. Việc mở rộng nguồn tuyển giúp chất lượng giáo viên được tuyển dụng ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu dạy học tại thành phố.
Tuy nhiên, thống kê của Sở cho thấy tỷ lệ “chọi” ở các môn học, các trường không đồng đều. Các môn Toán, Vật lý, Hóa học vẫn thu hút nhiều ứng viên hơn, môn tiếng Anh và Tin học vẫn ít ứng viên.
Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân, cho biết năm học này trường có nhu cầu tuyển một giáo viên Tin học, hai giáo viên Toán và hai giáo viên Tiếng Anh.
Tuy nhiên, qua đăng ký xét tuyển giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, không có giáo viên nào dự tuyển môn Tin học của trường. Với môn tiếng Anh, cả hai ứng viên đăng ký dự tuyển đều không đạt qua kiểm tra hồ sơ vòng 1. Môn Toán có 9 ứng viên dự tuyển vòng 2, hiện trường đang chờ kết quả xét tuyển của Sở.
Thực tế nhiều năm qua, trong khi nguồn tuyển giáo viên cho bậc học trung học phổ thông tương đối thuận lợi thì việc tuyển giáo viên cho các bậc học thấp hơn không ít khó khăn, nhất là 2 môn tiếng Anh và Tin học.
Đặc biệt khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhu cầu giáo viên 2 môn này càng tăng, bởi đây là 2 môn bắt buộc từ lớp 3 và tự chọn đối với hai khối 1, 2.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, chia sẻ cùng với chú trọng nâng chất nguồn tuyển, ngành Giáo dục thành phố tập trung tập huấn giáo viên để đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện Sở đã hoàn tất bồi dưỡng cho gần 500 giáo viên cốt cán của các quận, huyện (mỗi trường Tiểu học một giáo viên cốt cán)./.