TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế: Thương hiệu vươn tầm quốc tế

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng thương hiệu sản phẩm không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và hơn bao giờ hết là kỳ vọng của chính quyền.
Khu vực trưng bày sản phẩm của Saigon Co.op tại Lễ trao Giải thưởng Thương hiệu vàng TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Khi nhìn ra thế giới, mỗi quốc gia hay mỗi thành phố đều gắn liền với những thương hiệu lớn của các doanh nghiệp và chính những thương hiệu này đã định vị nên giá trị sản phẩm trên thị trường, góp phần đưa doanh nghiệp vươn tầm khu vực và quốc tế.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng thương hiệu sản phẩm không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và hơn bao giờ hết là kỳ vọng của chính quyền thành phố. 

Bảo chứng chất lượng sản phẩm

Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước như một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thống kê tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 800 doanh nghiệp có số vốn trên 1.000 tỷ đồng và thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp hầu như chưa tạo được nhiều dấu ấn đối với người tiêu dùng.

Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai đa dạng giải pháp để bảo chứng chất lượng sản phẩm, dịch vụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm thành phố, hướng đến tạo niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ nội địa và nâng cao vị thế trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.

Điển hình, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động Giải thưởng Thương hiệu vàng Thành phố Hồ Chí Minh thường niên hàng năm, hướng đến mục tiêu như là một nhãn chất lượng bảo chứng cho uy tín của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế, là tiền đề để đầu tư lớn mạnh trong tương lai.

[TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế: Làn gió mới từ doanh nghiệp]

Cụ thể, Giải thưởng Thương hiệu vàng Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 đã tôn vinh 30 thương hiệu sản phẩm; nhóm sản phẩm; hàng hóa, dịch vụ uy tín, tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Hầu hết các thương hiệu này đều thuộc lĩnh vực, ngành nghề của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu của Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến việc giữ vững và tiếp tục phát triển giá trị thương hiệu.

Về phía sở, ngành cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với công tác quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp.

Trong số đó, có thể kể đến những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để tận dụng thời cơ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, ưu tiên đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng logistics, hạ tầng số, tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh Giải thưởng Thương hiệu vàng Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố vừa ban hành Danh mục “Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.”

Đồng thời kèm theo quyết định này là tiêu chí xác định danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố. 

Cụ thể, nhóm sản phấm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh là các sản phẩm công nghiệp thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí, điện tử, hóa dược-cao su-nhựa, chế biến tinh lương thực-thực phẩm.

Riêng ngành công nghiệp truyền thống là dệt may, dược có khả năng cạnh tranh cao, năng lực sản xuất lớn, có tiềm năng thị trường trong nước hoặc xuất khẩu, đóng góp đáng kể cho tổng sản phẩm nội địa và phát triển kinh tế của thành phố.

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành đồng loạt các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm với mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án.

Ngoài ra, chương trình kết nối cung cầu sản phẩm giữa doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với doanh nghiệp đầu-cuối, công ty FDI, nhà đầu tư nước ngoài... cũng thường xuyên được sở, ngành phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện.

Đưa thương hiệu Việt ra thế giới

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, ngành công thương thành phố đã và đang đánh giá giá lại một cách có hệ thống và khoa học các nền tảng sản xuất, xuất khẩu để nhận dạng bức tranh chung về xuất khẩu thành phố. Trên cơ sở đó, ngành công thương thành phố sẽ định vị nhóm ngành/sản phẩm xuất khẩu mà thành phố có thể quan tâm, hỗ trợ phát triển trong thời gian tới.

Cùng với đó, ngành công thương cũng sẽ đề xuất các định hướng chiến lược làm cơ sở phục vụ cho công tác xây dựng Chương trình hành động phát triển xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, theo hướng thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu tiêu biểu.

Khu vực trưng bày sản phẩm của Bóng đèn Điện Quang bên lề Lễ trao giải thưởng Thương hiệu vàng TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Cụ thể, có thể kể đến một số nhóm giải pháp, gồm nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành sản xuất, dịch vụ xuất khẩu tiêu biểu; xúc tiến thương mại; thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển xuất khẩu; hoàn thiện việc phân ngành quản lý, thông tin thống kê doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn...

Hiện tại, doanh nghiệp ứng phó bằng việc chuyển hướng sang hành động chiến lược, đặc biệt tập trung vào thiết kế lại sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thực tế mới. Trong số đó, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo, cắt giảm chi phí, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, nắn bắt thay đổi thị trường...

Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Secoin cho biết, hiện nay sản phẩm gạch nghệ thuật của Việt Nam do doanh nghiệp sản xuất đã chinh phục hơn 60 thị trường xuất khẩu trên thế giới.

Những giá trị được kết tinh trong sản phẩm là đảm bảo chất lượng, sản xuất tại Việt Nam, khai thác thị trường xuất khẩu, bảo vệ mội trường và an toàn sức khỏe. Cùng với đó, Secoin đáp ứng chuẩn mực về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Còn bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho hay, xác định tầm nhìn mới vươn tầm quốc tế, Ban lãnh đạo PNJ đặt mục tiêu trở thành công ty hàng đầu châu Á về chế tác trang sức và bán lẻ sản phẩm.

Đồng thời, PNJ không ngừng sáng tạo để mang lại những sản phẩm tinh tế với giá trị thật để tôn vinh vẻ đẹp cho con người và cuộc sống. 

Để hiện thực hóa tầm nhìn, PNJ sẽ gia tăng năng lực ứng phó linh hoạt động với những biến số thị trường, sự cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế và xu hướng số hóa. Thông qua những giải pháp tăng năng lực sáng tạo, tiếp thu tư duy công nghệ và ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tương tự, ngày càng nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, cũng như giá trị doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp có cơ hội xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ một cách chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. 

Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, giá trị của các thương hiệu mạnh đối với doanh nghiệp, quốc gia được thể hiệu qua sự thu hút (sức kéo) của thương hiệu. Một thương hiệu mạnh được đánh giá cao hơn bao giờ hết là ở sự tin cậy và vững vàng đối phó với khủng hoảng. Tuy nhiên, muốn đạt được những điều này, doanh nghiệp phải quản trị tốt, tận dụng sức mạnh khao học và công nghệ...

Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021 của Tổ chức Brand Finance cho thấy, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng so với năm 2020 trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.

Cụ thể, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 trong năm 2020 lên 47/105 năm 2021. 

Việt Nam có một vị trí rất đặc biệt nhờ tham gia đa dạng Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là đã nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực và trên trường quốc tế, tạo cơ hội hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị tác động và đang thay đổi nhanh chóng với chủ nghĩa bảo hội ngày càng leo thang, dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Một số chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá việc chủ động, tích cực hội nhập và tham gia các FTA còn góp phần định vị giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cùng với đó, việc ký kết và đưa vào thực thi các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đưa Việt Nam vào nhóm những nước đi đầu trong quá trình hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục