TP.HCM: Hỗ trợ sinh viên khó khăn khi học phí đại học tăng mạnh

Nhằm hỗ trợ người học, nhiều Đại học, Học viện cam kết trích nguồn thu để cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo hoặc hỗ trợ sinh viên tiếp cận các gói vay tín dụng không lãi suất.
TP.HCM: Hỗ trợ sinh viên khó khăn khi học phí đại học tăng mạnh ảnh 1Sinh viên đi học trở lại sau thời gian học trực tiếp. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Học phí Đại học năm học 2022-2023 tăng mạnh khi áp dụng Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Học phí tăng khiến sinh viên và gia đình thêm gánh nặng trong khi nhiều học sinh phải thay đổi trường và ngành học tương lai do không kham nổi chi phí. Nhằm hỗ trợ người học, nhiều Đại học, Học viện cam kết trích nguồn thu để cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo hoặc hỗ trợ sinh viên tiếp cận các gói vay tín dụng không lãi suất.

Nỗi lo học phí tăng

Ngồi ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm học 2021-2022 sắp tới, em Đặng Nguyễn Hoàng Khang, ngụ thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, không thể tập trung vì vẫn mãi nghĩ về việc mình vừa phải thay đổi ngành học do gia đình không thể chi trả học phí. Bố mất sớm, Hoàng Khang sống với mẹ trong một căn phòng trọ nhỏ, thu nhập chính đến từ công việc phụ quán của mẹ em từ một quán ăn gần nhà. Hằng tháng, trừ đi tiền trọ và ăn uống, sinh hoạt, hai mẹ con em chỉ dư ra được khoảng 1-2 triệu đồng.

Hoàng Khang mong muốn theo học ngành Luật tại một trường Đại học thuộc tốp đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, mức trần học phí năm học 2022-2023 của ngành Luật, thuộc nhóm III-khối các ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật là 1,25 triệu đồng/tháng. Những trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư có thể quyết định mức học phí gấp 2-2,5 lần mức trần này.

Tìm hiểu tất cả những trường đào tạo ngành Luật tại thành phố đã công bố học phí năm tới, Hoàng Khang thấy mức thu đều từ khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng trở lên, gấp đôi mức 980.000 đồng của năm nay. Cộng thêm tiền mua sắm sách vở, chi phí học Đại học vượt quá khả năng chi trả của gia đình Khang. Để không tạo gánh nặng cho mẹ, Khang quyết định chuyển sang học ngành Sư phạm.

Chị Đặng Thị Xuân Mai, ngụ tại quận Phú Nhuận, có con gái lớn chuẩn bị thi vào Trường Đại học Kinh tế-Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phân vân với mức học phí mới tăng vọt lên đến 75 triệu đồng/năm với 4 học kỳ, cao hơn 5 triệu đồng/năm so với năm học trước.

[Học phí có thể tăng mạnh ở tất cả các cấp học: Phụ huynh lo lắng]

Chị Mai chia sẻ, chị và chồng mở một xưởng sản xuất gỗ, thu nhập ổn định nên có đủ tài chính để nuôi hai con đang học lớp 10 và 12. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến công việc kinh doanh phải tạm ngưng trong thời gian dài, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng không nhỏ.

Theo chị Mai, "sau khi dịch được kiểm soát, chúng tôi đã mở cửa sản xuất lại nhưng vẫn chưa phục hồi được thu nhập như trước. Đối với người hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ như chúng tôi, việc tăng học phí gây ra nhiều khó khăn, nhất là chúng tôi vẫn còn con trai út còn đang học cấp 3 với mức học phí cũng dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới.”

Để bảo đảm không xảy ra vấn đề ảnh hưởng đến việc học Đại học của con gái lớn, vợ chồng chị Mai đã khuyên cháu bên cạnh trường yêu thích, cũng nên đặt nguyện vọng ở những trường có mức học phí phù hợp với năng lực kinh tế của gia đình hơn. Vợ chồng chị cũng đang tính đến phương án vay mượn hoặc nhờ sự hỗ trợ từ họ hàng để con có thể học tại trường đúng như mong muốn.

Học phí đại học năm học 2022-2023 tăng mạnh khi áp dụng Nghị định 81/2021. Cụ thể, mức học phí thấp nhất áp dụng cho năm học 2022-2023 dao động từ 1,2-2,45 triệu đồng/tháng. Mức trần học phí các trường tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm.

Do phần lớn Đại học công lập đang thực hiện tự chủ, mức thu có thể cao hơn 2-2,5 lần so với mức trần. Trong đó, khối ngành y dược tăng tới 71,33%, từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 2,45 triệu đồng/tháng. Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành nghệ thuật) hầu hết đều tăng từ hơn 20 đến gần 30%. Riêng khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên có mức tăng trên 15%.

Với các trường Đại học công lập đã chuyển đổi qua loại hình tự chủ, mức tăng học phí cũng khác nhau. Trường tự đảm bảo chi thường xuyên, mức thu này được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần trường chưa tự chủ tương ứng với khối ngành. Với trường công lập tự đảm bảo cả chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí được thu tối đa 2,5 lần mức trần trường chưa tự chủ (tương ứng với 30 đến hơn 61 triệu đồng/năm học). Ở khối tư thục, phần lớn trường tăng 10-15% so với năm ngoái theo lộ trình.

Hỗ trợ sinh viên khó khăn

Trước tình hình mức học phí tăng đặt thêm gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình trong khi nhiều thí sinh có nguy cơ phải từ bỏ ngành và trường ước mơ, nhiều trường Đại học đã thực hiện các chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

TP.HCM: Hỗ trợ sinh viên khó khăn khi học phí đại học tăng mạnh ảnh 2Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: laodong.vn)

Tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, trường cấp học bổng toàn phần trong 4 năm học cho hệ đào tạo nhân tài với 6 lớp, 130 chỉ tiêu. Các ngành thuộc hệ này gồm Robot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, trường còn cấp học bổng khuyến tài cho thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông ba môn xét tuyển từ 26 trở lên, mỗi điểm tương ứng 1 triệu đồng. Đây là những cơ hội săn học bổng cho học sinh nghèo, học giỏi, đạt thành tích cao.

Ngoài ra, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng quỹ học bổng với sự đóng góp của cựu sinh viên, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội. Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Trường Thịnh, Phụ trách nhà trường cho biết, ngoài việc cấp học bổng cho sinh viên học giỏi, quỹ sẽ cho những em nghèo vay vốn cho đến khi ra trường. “Khi đã đỗ vào trường, nhà trường cam kết tìm những cách khác nhau để không sinh viên nào phải bỏ học giữa chừng vì khó khăn tài chính,” ông Nguyễn Trường Thịnh nói.

Trong mùa tuyển sinh mới, nhiều trường Đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cam kết dành hàng chục tỷ đồng để cấp học bổng cho sinh viên. Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố dành 36 tỷ đồng, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến dành hơn 15 tỷ đồng hỗ trợ tân sinh viên nghèo, sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện tốt; Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch duy trì quỹ học bổng mang tên Giáo sư-bác sỹ Dương Quang Trung, hỗ trợ cho các sinh viên.

Ngoài ra, các Đại học cũng có quỹ hoặc nguồn kinh phí riêng ưu đãi cho sinh viên. Chẳng hạn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có quỹ phát triển cho sinh viên khó khăn vay ưu đãi học tập với lãi suất 0%. Hiện, hàng trăm sinh viên đã tiếp cận được nguồn vay này. Ngoài ra, trường còn hỗ trợ 35% học phí cho sinh viên thuộc 9 ngành tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trong giai đoạn đầu tự chủ. Do đó, mức học phí các ngành này chỉ còn 13 triệu đồng/năm trong năm 2022-2023, thấp hơn so với mức trung bình 18-20 triệu đồng.

Ngoài học bổng, chính sách miễn giảm học phí, sinh viên còn có thể vay tín dụng với lãi suất ưu đãi. Vào tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ có quyết định sửa đổi, bổ sung về tín dụng cho học sinh, sinh viên. Theo đó, sinh viên thuộc các hộ nghèo, cận nghèo hoặc có mức sống trung bình được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng để học tập (tăng 1,5 triệu đồng so với 2019).

Theo tính toán, chi phí học tập (gồm cả học phí và sinh hoạt phí) của một sinh viên hiện nay khoảng 6,5-9,5 triệu đồng một tháng. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mức cho vay 4 triệu đồng, bằng 61% mức chi học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của học sinh, sinh viên là phù hợp. Theo quy định, sau 12 tháng kể từ ngày kết thúc học, sinh viên được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên nhưng các em cũng có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt.

Ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp-Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết học phí Đại học tăng khi tự chủ là tất yếu; tăng học phí cũng giúp các trường có tài chính tốt, khi đó cơ sở vật chất, giảng viên được đầu tư tốt kéo theo chất lượng đào tạo tốt lên. Vì thế tự chủ Đại học là bước cần thiết của giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, tự chủ Đại học phải đảm bảo cơ chế cho người nghèo, người khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội thụ hưởng nền giáo dục Đại học bình đẳng, kể cả chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Bởi mục tiêu của giáo dục Đại học là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục