TP.HCM: Huyện Cần Giờ dự kiến mở tour du lịch khép kín từ 30/9

Sau khi được công nhận "vùng xanh," huyện Cần Giờ lên kế hoạch đón khách du lịch vào cuối tháng Chín; các dịch vụ ăn uống tại các vùng đã kiểm soát được dịch COVID-19 cũng "rục rịch" tái khởi động.
Huyện Cần Giờ dự kiến mở tour du lịch khép kín từ 30/9. (Nguồn: vnexpress.net)

Sau một thời gian triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, một số quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh công bố đã kiểm soát dịch COVID-19, cùng với đó nhiều khu vực được xác định là vùng an toàn, vùng xanh.

Đây là tín hiệu được đánh giá là vô cùng tích cực, có thể mở lối cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ F&B (nhà hàng và quầy uống) tái hoạt động trở lại ở một số quận, huyện sau thời gian dài đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở thành phố.

Thí điểm tour "một cung đường một điểm đến"

Huyện Cần Giờ là một trong những địa phương đã được công nhận là "vùng xanh" và đang lên kế hoạch đón khách du lịch vào cuối tháng 9/2021.

Đối với ngành du lịch, huyện dự kiến giới thiệu thí điểm sản phẩm tour tuyến được thiết kế khép kín từ cung đường đến hành trình và điểm đến. Trong đó, du khách không được dừng dọc đường, ghé trạm dừng chân hay đi "ngang dọc" mà chỉ hoạt động trong khu vực nhất định khi đến với huyện Cần Giờ, hoặc có thể hiểu là tour "một cung đường một điểm đến."

Theo ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, để phục vụ ngành Du lịch, chính quyền địa phương đang xem xét mở lại một số hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời, ăn uống tại chỗ với quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, việc kích hoạt thị trường du lịch bằng thí điểm sản phẩm tour tuyến này cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ kiểm soát dịch bệnh và khuyến nghị của lực lượng liên ngành, nhất là ngành Y tế.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đồng quan điểm với chính quyền địa phương về việc mở cửa lại ngành Du lịch với sản phẩm tour tuyến thí điểm đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Hơn thế nữa, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay đã kiểm soát được dịch bệnh, nhưng cần tiếp tục giữ vững và không chủ quan, nhằm phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ...

Riêng đối với lĩnh vực du lịch, khi tái hoạt động có thể khoanh vùng, tập trung và bảo vệ an toàn cho du khách, cũng như người dân địa phương

Đồng hành cùng ngành Du lịch, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở Y tế tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định thành lập khu cách ly y tế tập trung có trả phí.

Đặc biệt, Sở Du lịch thành phố đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện vận động hệ thống khách sạn trên địa bàn đăng ký làm cơ sở cách ly F1.

Hiện tại, các cơ sở này, cũng tiếp nhận khách có nguy cơ mắc COVID-19 cao (F1) đến cách ly thông qua chương trình “Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chung tay phòng, chống dịch COVID-19."

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải và thường xuyên cập nhật danh sách, thông tin khách sạn tham gia đăng ký làm cơ sở cách ly cho những người có nguy cơ mắc COVID-19 cao tại Cổng thông tin điện tử của Sở.

Đồng thời, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng hợp tác với Traveloka Việt Nam cung cấp dịch vụ đặt trực tuyến khách sạn cách ly và phương tiện vận chuyển cách ly.

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục mở rộng chương trình hợp tác liên kết với mạng lưới đại lý du lịch trực tuyến khác (OTA) dành cho đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao (F1) và khách nhập cảnh.

Dịch vụ ăn uống sẽ được tái khởi động tại các khu vực được công nhận "vùng xanh." (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Thống kê trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2021 đạt 35.522 tỷ đồng, giảm 59,4% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 609.351 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 35.201 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực du lịch, lữ hành đạt 2.490 tỷ đồng, giảm 52,2% so với cùng kỳ năm trước. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dự báo các tháng cuối năm 2021 thì doanh thu của ngành Du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn sẽ ở mức rất thấp so với năm trước.

Kinh doanh ăn uống chuyển hướng sang khách nội địa

Ghi nhận kể từ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 vào cuối tháng 4/20221 tại Thành phố Hồ Chí Minh và diễn biến phức tạp trong những tháng gần đây, doanh nghiệp và tiểu thương ngành dịch vụ ăn uống đã có rất nhiều hình thức thay đổi trong phương pháp kinh doanh để thích ứng với biến động thị trường.

Trong đó, hệ thống nhà hàng ăn uống thương hiệu lớn, chất lượng cao cấp với mô hình phục vụ tại chỗ sang trọng cũng thay đổi chiến lược từ tập trung vào nhóm khách tiêu dùng du lịch tiêu dùng cao sang phân khúc khách Việt Nam địa phương.

[Phục hồi du lịch Việt: Thí điểm mở cửa nhưng không thể nóng vội!]

Người dân tuy thu nhập trung bình - khá, nhưng có nhu cầu ăn uống ổn định và bền vững hơn rất nhiều, nên đây là nguồn khách nội địa có thể mang lại sự đảm bảo tăng trưởng doanh thu bình ổn hơn cho doanh nghiệp.

Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cho thuê mặt bằng bán lẻ của Savills Việt Nam, nhận định hàng loạt thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống đều nỗ lực đổi mới sáng tạo và không ngừng chuyển mình tìm ra hướng đi trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay.

Trên thực tế, thương hiệu Haidilao Hotpot đã ra mắt thực đơn ăn lẩu tại nhà với các phần ăn trung bình, giá thành hợp lý.

Còn thương hiệu El Gaucho chăm chút những khẩu phần ăn mang đi (delivery) với cam kết chất lượng và dịch vụ cao cấp, Pizza 4P’s với pizza đóng hộp bao bì và chất lượng đảm bảo.

Riêng thương hiệu Cheese Coffee với menu phục vụ mang đi và đa dạng món đặc sản chỉ dành riêng cho một số quận, huyện nhất định… Từ đó, có thể thấy sự chuẩn bị trong mạng lưới vận chuyển và phân phối đến của doanh nghiệp, có thể tạo ra "cú lội ngược dòng" ngay cả khi trong giai đoạn giãn cách xã hội và giúp nhiều thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống vẫn được thị trường.

Đây cũng chính là sự tiến hóa trong cung cách thị trường bán lẻ F&B Việt Nam hoạt động ở giai đoạn hậu dịch COVID-19 sắp tới, dự kiến là sân chơi của thương mại điện tử và hệ thống vận chuyển, giao nhận và hàng hóa tiêu chuẩn.

Theo một số chuyên gia khác, đối với những hộ kinh doanh ăn uống vừa và nhỏ hoặc tiểu thương khởi nghiệp ngành F&B cũng hoàn toàn có thể tham gia vào thị trường này.

Đây là giai đoạn hoàn thiện chiến lược phát triển thận trọng, xây dựng nền tảng và nguồn lực để tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử trên sàn thương mại tập trung lớn như Lazada, Shopee, Tiki, Facebook, Instagram… để tận dụng lượng khách sẵn có.

Đặc biệt, hộ kinh doanh có thể tìm đúng đối tượng khách hàng mục tiêu và định vị riêng của thương hiệu. Bên cạnh đó, xu hướng thanh toán trả trước bằng ví điện tử hoặc thẻ, không dùng tiền mặt đã được phổ biến với tốc độ chóng mặt.

Do vậy, hộ kinh doanh ăn uống cần tìm hiểu và đầu tư sớm vào các kênh ví điện tử hoặc thẻ, từ đó tối đa hóa sự thuận tiện thanh toán cho khách hàng, cũng như hoạt động kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục