TP.HCM: Lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái” trong đại dịch

Đã có nhiều nhóm thiện nguyện, cá nhân chủ động, bằng nhiều cách hỗ trợ người nghèo, người lao động tự do tại TP.HCM vượt qua khó khăn, lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái.”
Quán cơm từ thiện của anh Dương Thiện Chơn. (Nguồn: thanhnien.vn)

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của đại bộ phận người dân, đặc biệt là những người nghèo, lao động tự do.

Đã có nhiều nhóm thiện nguyện, cá nhân chủ động, bằng nhiều cách hỗ trợ người nghèo, người lao động tự do vượt qua khó khăn, lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái.”

Lá rách ít, đùm lá rách nhiều

Từ khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi sáng hàng ngày anh Dương Thiện Chơn, chủ một nhà hàng tại phường 8, quận Gò Vấp cùng nhân viên tất bật chuẩn bị nguyên liệu để nấu hàng trăm suất ăn từ thiện phát cho lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát và những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận.

Anh Chơn và các nhân viên phải đứng bếp liên tục từ sáng đến trưa, vừa chuẩn bị các suất ăn từ thiện, vừa nấu các phần ăn do khách hàng đặt giao tận nhà nhưng mọi người đều hào hứng, vui vẻ.

Anh Chơn cho biết lúc đầu nhà hàng dự định làm 300 suất ăn mỗi ngày nhưng khi thấy số lượng người cần hỗ trợ quá đông đã quyết định tăng lên đến 800 suất ăn từ thiện. Để hoàn thành được số lượng lớn suất ăn này, các nhân viên phải lên thực đơn từ ngày hôm trước, sau đó dậy sớm để nấu rồi cho vào hộp.

Đúng 11 giờ trưa, những suất ăn chuẩn bị xong được chia thành hai phần, một phần giao cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát và những người dân trong các khu bị phong tỏa, phần còn lại sẽ phát trực tiếp tại quán cho người dân tới nhận, mỗi người nhận tối đa 3 phần.

[TP.HCM cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, sớm tìm ra F0 trong cộng đồng]

Để bảo đảm an toàn vệ sinh phòng dịch, nhân viên nhà hàng luôn đeo khẩu trang, găng tay khi chuẩn bị các suất ăn, còn người dân khi đến nhận cơm sẽ được nhắc nhở xếp hàng, ngồi ghế giữ khoảng cách trong thời gian đợi đến lượt.

Theo anh Dương Thiện Chơn, ban đầu, tất cả chi phí đều do anh cùng các cổ đông của nhà hàng chi trả; nhưng khi biết đến hoạt động này,  nhiều người dân đã gửi gạo, thịt, cá, trứng và các loại gia vị để san sẻ, giúp nhà hàng kéo dài chương trình thiện nguyện.

Bà Nguyễn Thị Bé Năm (tạm trú tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh), làm nghề bán vé số dạo cho biết, từ ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, bà hầu như không có thu nhập.

Để tiết kiệm tiền trả phí thuê trọ và điện, nước, thời gian đầu bà chỉ dám nấu cháo loãng để ăn một bữa mỗi ngày nhưng từ khi được hàng xóm giới thiệu đến điểm phát cơm từ thiện của anh Dương Thiện Chơn, bà đã có bữa ăn đầy đủ hơn.

Đây là thời điểm khó khăn nhất mà bà từng đối mặt kể từ khi rời quê vào Thành phố Hồ Chí Minh để mưu sinh nhưng cũng là lúc bà cảm nhận được tình người ấm áp, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người dân Thành phố mang tên Bác.

Bán nước giải khát, đồ ăn sáng trên đường Nguyễn Tri Phương (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh), bà Nguyễn Thị Hòa không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều mảnh đời khốn khó chịu ảnh hưởng của đại dịch nên từ khi tạm nghỉ bán do Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, bà Hòa đã bàn với các thành viên trong gia đình góp tiền nấu cơm chay phát cho những hộ nghèo và người bán vé số, xe ôm...

Điểm phát cơm của bà ở trước hẻm 523 đường Nguyễn Tri Phương (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh), chỉ có chiếc bàn nhỏ gắn tấm bìa ghi “Cơm từ thiện” cùng những phần cơm canh nóng hổi được xếp ngay ngắn vào 10 giờ mỗi ngày.

Bà Hòa chia sẻ gia đình bà không khá giả, cũng phải chạy cơm từng ngày nhưng thấy nhiều người còn khổ hơn mình, bà quyết định giúp đỡ mọi người trong khả năng cho phép.

Gia đình bà cũng nhận được sự hỗ trợ về chi phí và nguyên liệu từ nhiều người dân, tổ chức, thậm chí có những người là công nhân, lái xe ôm cũng đến đóng góp.

Chính những tấm lòng, sự “tương thân, tương ái” này đã giúp bà Hòa có thêm động lực để tiếp tục thực hiện công việc thiện nguyện của mình.

Chung tay hỗ trợ lực lượng tuyến đầu

Trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Quốc Hưng (Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh), gia đình 3 thế hệ của chị Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 đang tất bật làm các tấm chắn giọt bắn để gửi tặng cho lực lượng ở tuyến đầu chống dịch.

Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp tặng quà người dân tại các khu cách ly. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chị Thanh chia sẻ là người làm công tác nghiên cứu y khoa, chị hiểu rõ tầm quan trọng của các dụng cụ bảo hộ, đặc biệt là khẩu trang và tấm chắn giọt bắn để bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận những dụng cụ này. Do đó, chị đã đề xuất sử dụng tiền của gia đình cũng như kêu gọi trên mạng xã hội sự đóng góp từ các tổ chức, cá nhân để mua nguyên liệu làm tấm chắn giọt bắn.

Với kinh nghiệm của một nhân viên y tế, chị Thanh đã hướng dẫn đầy đủ, chi tiết quy trình làm tấm chắn cho các thành viên gia đình và phân chia công việc phù hợp cho mỗi người.

Hàng ngày, cả nhà chị Thanh bắt đầu làm từ 8 giờ đến tối muộn mới nghỉ ngơi, riêng chị Thanh vì bận rộn công việc chuyên môn nên sau giờ làm mới có thể phụ mọi người.

Mỗi ngày, gia đình chị có thể hoàn thiện khoảng 800-1.000 tấm chắn giọt bắn và đến nay đã gửi tặng hơn 10.000 tấm đến các các “điểm nóng” về dịch như quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh... các bệnh viện, cơ sở y tế như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Đoàn Hồng Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 10, cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với những khó khăn trong đợt tái bùng phát dịch lần này nhưng cũng chính từ những khó khăn ấy, tinh thần “tương thân, tương ái”, đồng lòng, đồng sức cùng nhau chống lại đại dịch của người dân thành phố được dấy lên mạnh mẽ, thể hiện qua hàng trăm hoạt động thiện nguyện.

Để từ đó, thông điệp về sự sẻ chia lúc khó khăn được lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng, để không một ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục