Ngày 5/6, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi.
Chương trình có sự tham gia của 150 đại biểu thiếu nhi đại diện cho hơn 1,9 triệu trẻ em thành phố. Nhiều em được tuyên dương danh hiệu công dân trẻ tiêu biểu của thành phố; cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc và Thành phố Hồ Chí Minh; học sinh giỏi, tài năng trẻ; đặc biệt nhiều cháu là tấm gương vượt khó học tốt, rèn luyện chăm ngoan.
Phát biểu mở đầu buổi gặp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ bày tỏ xúc động khi gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022). Với ý nghĩa này, bà Nguyễn Thị Lệ mong các em thiếu nhi khắc ghi 5 điều Bác Hồ dạy, cố gắng học tập, rèn luyện để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và nước nhà ngày một giàu mạnh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
Chia sẻ với các em thiếu nhi về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ hai năm qua dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có việc học tập, vui chơi của các em. Vì vậy, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chưa tổ chức được buổi gặp mặt trực tiếp cho các em, nhưng vẫn theo dõi và biết được các em có nhiều cố gắng trong học tập. Đặc biệt, trong đợt dịch, bằng nỗ lực của mình “tuổi nhỏ làm việc nhỏ,” các em đã có những phần việc đóng góp hữu ích trong công tác phòng, chống dịch vừa qua.
[TP Hồ Chí Minh: Ngày hội "Thiếu nhi vui khỏe-Tiến bước lên Đoàn"]
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các cấp, các ngành đã nỗ lực vận động nhiều nguồn lực để chăm lo cho thiếu nhi với phương châm “Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em,” duy trì các hoạt động lắng nghe ý kiến các em cũng như phát huy quyền tham gia của các em vào những vấn đề liên quan bằng những hành động cụ thể trong thời gian qua.
Tại buổi gặp mặt, nhiều học sinh mong muốn Thành phố có thêm nhiều thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi, nhất là ở các huyện ngoại thành, có giải pháp để nâng cao văn hóa đọc trong thiếu nhi. Là người đam mê nghiên cứu khoa học, em Nguyễn Hiếu Khang, học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh nên tạo điều kiện để học sinh thành phố có thêm nhiều cơ hội nghiên cứu khoa học phù hợp với lứa tuổi. Cùng với đó, thành phố cần có nhiều chương trình để học sinh gặp gỡ, giao lưu với bạn bè quốc tế, qua đó chia sẻ, trao đổi về các hoạt động nghiên cứu khoa học ở các nước.
Quan tâm đến hình thức dạy môn Lịch sử, em Nguyễn Vương Song My, học sinh Trường Trung học cơ sở Hoàng Lê Kha, quận 6, cho rằng việc giảng dạy môn học này chưa được chú trọng. Trong khi đó, em và nhiều bạn bè của mình rất yêu thích môn học trên, minh chứng là các nội dung về lịch sử trên mạng xã hội, Tiktok được nhiều bạn theo dõi. Do đó, em Nguyễn Vương Song My mong muốn, chương trình giảng dạy môn Lịch sử cần hấp dẫn hơn, thời lượng phù hợp hơn. Đồng thuận với ý kiến trên, một số học sinh kiến nghị, ngoài sách vở, ngành giáo dục cần quan tâm hơn cách thức giảng dạy môn học Lịch sử, nhất là lồng ghép các hình ảnh, mô hình trong bài giảng để môn học được sinh động hơn.
Lắng nghe ý kiến của các em học sinh tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng trẻ em là mầm non tương lai của Thành phố Hồ Chí Minh và đất nước; chăm lo cho trẻ em chính là sự chuẩn bị cho tương lai. Qua những dịp được tiếp xúc trực tiếp với thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh, qua báo cáo của Thành Đoàn, Hội đồng Đội thành phố, theo bà Nguyễn Thị Lệ, các em thiếu nhi ngày nay rất giỏi giang, tiếp cận công nghệ, thông tin nhanh, khả năng tìm tòi và học hỏi gần như là không có giới hạn, các em rất mạnh dạn, tự tin trong thể hiện ý kiến.
Từ đó, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mong rằng các em thiếu nhi cần mạnh dạn phát biểu ý kiến. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích các em có những mong muốn gì hãy gửi đến lãnh đạo thành phố, các ngành, các cấp, tổ chức Đoàn, Đội để chăm lo, đầu tư cho các em phát triển toàn diện, xứng đáng với sự nghiệp mà các thế hệ đi trước đã dày công gây dựng và để lại cho các thế hệ sau.
Bà Nguyễn Thị Lệ khuyến khích các em trình bày, phản ánh các vấn đề thực tế trong công tác đào tạo, hoạt động phong trào, cuộc sống mà các em thấy cần sự thay đổi, điều chỉnh để tạo môi trường tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em thành phố.
Sáng cùng ngày, nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2022), Đoàn đại biểu thanh, thiếu niên, nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh đã đến viếng, dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh- Bến Nhà Rồng, quận 4, nơi bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Tại đây, các em thiếu nhi cùng các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, vị lãnh tụ thiên tài vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Thành kính dâng lên Người những nén hương thơm và những đóa hoa tươi thắm, các em thiếu nhi cùng các đại biểu bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng loài người. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị.
Sinh thời, dù luôn bận bịu với việc nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến thế hệ măng non, bởi theo Bác, chính các em là chủ nhân tương lai của đất nước. Bác luôn nhắc thiếu nhi phải đoàn kết, thi đua học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, rèn luyện sức khỏe; tấm lòng của Người đối với thiếu nhi chan chứa tình thương yêu vô hạn.
Nay, tuy Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn, tình cảm của Bác sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu nhi Thành phố nói riêng, thiếu nhi Việt Nam nói chung. Nhớ ơn Bác, thiếu nhi Thành phố mang tên Bác nguyện sẽ cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng là “cháu ngoan Bác Hồ” như Người hằng mong đợi./.