Thiếu phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên cho các môn học mới, môn tích hợp, chưa có tài liệu cho môn Giáo dục địa phương… là những khó khăn của ngành Giáo dục khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đây là những vấn đề được nêu ra tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội ngày 21/11/2017 về Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88, diễn ra ngày 20/9.
Theo lộ trình, năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông mới được triển khai ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố chia sẻ việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, tạo chuyển biến tương đối rõ nét về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và chất lượng giáo dục. Trong đó, giáo viên tích cực hơn trong đổi mới mục tiêu giáo dục phổ thông, đảm bảo dạy học theo năng lực học sinh.
Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình mới gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất, trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở bậc Tiểu học. Cụ thể, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở bậc Tiểu học đặt ra yêu cầu tổ chức học 2 buổi/ngày cho học sinh.
[Năm học 2022-2013: TP.HCM khắc phục khó khăn, tồn tại nâng chất lượng]
Tuy nhiên hiện ở nhiều trường, số phòng học chưa đủ để bảo đảm yêu cầu trên. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học là 79,05%; Trung học Cơ sở 89,12%. Tuy nhiên, tỷ lệ này cũng không đồng đều ở các địa phương. Ở các quận 12, Tân Phú…, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày chưa đến 30%.
Hiện, thành phố có hơn 24.800 giáo viên Tiểu học, tỷ lệ 1,36 giáo viên/lớp, chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày. Mặt khác, bậc học này có 83% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; trong đó, khối công lập đạt 74%, số giáo viên còn lại chưa đạt chuẩn là vấn đề cần quan tâm của các đơn vị trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tại một số trường, cơ sở vật chất hiện chưa đồng bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình. Nhiều trường có diện tích nhỏ hẹp, thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng. Việc tuyển dụng giáo viên thực hiện chậm dẫn đến một số trường thiếu giáo viên dạy nhiều môn như tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật.
Để giải quyết các khó khăn trên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành Giáo dục khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó xây dựng bổ sung vị trí việc làm, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định. Đồng thời, Bộ hướng dẫn về pháp lý để các địa phương chủ động in ấn và phát hành tài liệu Giáo dục địa phương để thành phố sớm có tài liệu cho việc dạy và học nội dung này.
Ngành Giáo dục kiến nghị lãnh đạo thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở những năm học tiếp theo.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nhận định việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 với nhiều thách thức. Chương trình có sự thay đổi lớn khi triển khai một số môn học theo hình thức đa môn, thay cho việc dạy đơn môn trước đây.
Các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nâng chuẩn trình độ giáo viên và khó khăn trong việc tuyển dụng đội ngũ là những thách thức đặt ra cho ngành Giáo dục thành phố. Cùng với sự chủ động của ngành Giáo dục, các ngành liên quan cũng cần phối hợp để tháo gỡ khó khăn, góp phần triển khai hiệu quả Chương trình trong thời gian tới./.