Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng (xe buýt, taxi) cả năm 2015 đạt 600 triệu lượt, đáp ứng 9,8% nhu cầu đi lại của người dân là khó hoàn thành.
Tính riêng vận tải xe buýt dự kiến cả năm 2015 cũng chỉ đạt gần 367,7 triệu lượt, thấp hơn năm 2012 (413 triệu lượt) và năm 2013 (411 triệu lượt).
Tính đến ngày 31/12/2014, tổng số xe buýt đang hoạt động là 2.797 xe, giảm 74 xe so với cuối năm 2013. Cùng với đó, tiền trợ giá xe buýt liên tục giảm, từ 1.422 tỷ đồng trong năm 2011 và đến năm 2015 chỉ còn 1.180 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giảm mạnh, theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, là do trong năm 2014 đã ngưng 3 tuyến xe buýt có trợ giá (mã số 143, 111, 26) và 5 tuyến xe buýt không trợ giá nên ảnh hưởng đến số lượng người đi.
Việc thi công một số công trình hạ tầng giao thông (nhà ga tuyến metro số 1, cầu Ông Buông, đường Hậu Giang…) đã làm cho lộ trình xe buýt bị thay đổi, kéo dài, thời gian hành trình của chuyến xe tăng lên ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.
Cùng với đó, có đến 75% số xe buýt đang hoạt động được đầu tư từ năm 2002, đến nay đã xuống cấp nên không thu hút được người dân sử dụng.
Mặt khác, chính sách hạn chế xe cá nhân vẫn chưa được thực hiện. Tính đến ngày 15/7, thành phố đang quản lý hơn 7,2 triệu phương tiện; trong đó hơn 6,5 triệu xe môtô, chưa kể khoảng 1 triệu xe gắn máy vãng lai của các tỉnh lưu thông hàng ngày, tạo nên sự cạnh tranh và làm giảm đáng kể sản lượng hành khách đi xe buýt.
Bên cạnh đó, thành phố chưa hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh. Hạ tầng phục vụ xe buýt còn yếu kém, chưa có làn đường dành riêng, dẫn đến dòng phương tiện lưu thông hỗn hợp cùng xe máy và ôtô.
Quỹ đất dành cho hoạt động vận tải hành khách công cộng chỉ có khoảng 26/191ha, đạt 13,7% so với chỉ tiêu quy hoạch…
Giai đoạn 2016-2020, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn giữ vai trò chủ lực nhưng sẽ bão hòa và tăng chậm. Ước tính đến cuối năm 2020, tuyến metro số 1 và tuyến metro số 2 (giai đoạn 1) bắt đầu hoạt động với khối lượng dự kiến chỉ đạt khoảng 50 triệu lượt hành khách/năm.
Tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT) số 1 trên đại lộ Võ Văn Kiệt sẽ khai thác từ năm 2018 đáp ứng khoảng 23.000 lượt hành khách/ngày. Do vậy, khối lượng vận tải hành khách công cộng từ nay đến năm 2020 tăng không đáng kể (ước đạt 687 triệu lượt vào năm 2020) nhưng từ năm 2020 trở đi sẽ tăng đột biến khi các tuyến xe buýt nhanh BRT và các tuyến metro còn lại được tiếp tục đầu tư, khai thác, từng bước hình thành hệ thống vận tải hành khách công cộng liên hoàn.
Để phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định một số giải pháp trọng tâm như tổ chức giao thông theo hướng hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, thực hiện một số tuyến đường có làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt, tổ chức các tuyến xe buýt nhanh BRT.
Bên cạnh đó, đầu tư khai thác một số tuyến đường sắt đô thị còn chậm, xây dựng quỹ phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm giảm trợ giá từ ngân sách. Ngoài ra thành phố cũng sẽ đầu tư đổi mới phương tiện vận tải xe buýt phù hợp với đặc tính đô thị, điều kiện đường giao thông trên địa bàn, triển khai thực hiện đấu giá cho thuê quảng cáo bên ngoài thân xe buýt để tạo nguồn thu bù đắp kinh phí trợ giá xe buýt.
Cùng với đó, thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, đầu tư xây dựng hoàn tất các đầu mối trung chuyển xe buýt tại Công viên Đầm Sen, Công viên 23 tháng 9, Bến xe Văn Thánh, Bến xe Củ Chi, Bến xe Nhà Bè, mở rộng bến xe Quận 8, bãi hậu cần xe buýt tại phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức)…/.