TP.HCM: Việc học trực tiếp thay đổi tùy theo tình hình dịch COVID-19

Theo Phó trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 ở TP.HCM, phụ huynh chính là người theo dõi sức khỏe, tình hình F0, F1 ở lớp học của con, từ đó quyết định cho con học trực tiếp hay trực tuyến.
TP.HCM: Việc học trực tiếp thay đổi tùy theo tình hình dịch COVID-19 ảnh 1Giáo viên hướng dẫn học sinh rửa tay trước khi vào lớp. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Tại buổi họp định kỳ về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/3, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng công tác Chính trị và Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc học trực tiếp của học sinh tại thành phố sẽ thay đổi tùy theo tình hình dịch bệnh.

Cụ thể, việc tổ chức dạy học trực tiếp sẽ thay đổi tùy vào tình hình phòng, chống dịch ở từng trường, từng địa phương.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt và quyết tâm thực hiện dạy học trực tiếp cho học sinh, các em mẫu giáo trong điều kiện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ngành giáo dục và y tế phối hợp cập nhật tình hình phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục vào cuối mỗi ngày.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng khi có nhiều F0 trong trường học, nhiều trường chuyển sang học trực tuyến, một số khác vẫn đang tiếp tục duy trì hai hình thức để đảm bảo chất lượng học tập cho học sinh.

Liên quan đến việc đi học trực tiếp tại trường của học sinh, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong bối cảnh ca mắc mới ngày càng tăng, việc bảo vệ tính mạng trẻ em là trên hết.

“Phụ huynh chính là người theo dõi sức khỏe, tình hình F0, F1 ở lớp học của con, từ đó quyết định cho con học trực tiếp hay trực tuyến. Hiện nay, ngành giáo dục vẫn đang duy trì 2 hình thức đó. Do vậy, không học trực tiếp được sẽ học trực tuyến," ông Phạm Đức Hải nói.

[TP.HCM: Ca F0 trong trường học tăng mạnh, các trường linh động ứng phó]

Trước thực trạng số ca mắc tại Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng nhanh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Ban Chỉ đạo cùng ngành y tế đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên địa bàn để đưa ra phương án ứng phó.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết liệt đưa ra chỉ tiêu, trong đó phấn đấu trong 2 tuần tới sẽ vượt qua đỉnh dịch COVID-19.

Với chỉ tiêu này, các Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức; các xã, phường, thị trấn phải thực hiện nghiêm đánh giá cấp độ dịch tại địa phương và khắc phục ngay điểm yếu trong các hoạt động phòng chống dịch.

Đồng thời, các địa phương phải thực hiện đúng các quy định về đóng, mở các hoạt động theo hướng dẫn, để có thể kiểm soát và phấn đấu từ vùng vàng, vùng cam thành vùng xanh.

Về biện pháp căn cơ, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện đợt cao điểm mới với chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ (trên 65 tuổi, có bệnh nền), thực hiện đến ngày 21/3. Nội dung của chiến dịch là đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để cập nhật danh sách thuộc nhóm nguy cơ cao, tầm soát để hướng dẫn điều trị, vận động có những giải pháp để hạn chế lây lan.

Tính đến 18 giờ ngày 2/3, có 539.836 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố. Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị 4.576 bệnh nhân, trong đó có 305 trẻ em dưới 16 tuổi, 58 bệnh nhân nặng đang thở máy, 7 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Theo công bố mới nhất của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 21/2 đến 27/2, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã có nhiều diễn biến mới.

Từ một địa phương duy nhất là vùng cam trong tuần liền kề trước đó, toàn địa bàn đã có 13 phường, xã thuộc cấp độ 3 dịch COVID-19 (vùng cam).

Các phường, xã thuộc vùng cam bao gồm một phường thuộc quận 5, 4 phường thuộc quận 10, một phường thuộc quận 11, 2 xã thuộc huyện Bình Chánh, một xã thuộc huyện Hóc Môn và 4 phường thuộc thành phố Thủ Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục