Trà Vinh: 1.465 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng mức sống

Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm.
Chị Thạch Thị Sắc, người dân tộc Khmer ở ấp Ba So ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh được vay vốn ưu đãi phát triển đàn bò. (Nguồn: Ngân hàng chính sách xã hội)

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, từ nay đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí khoảng 1.465 tỷ đồng.

Trong số đó, ngân sách Trung ương hơn 1.005 tỷ đồng, số tiền còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách và nguồn vốn huy động hợp pháp.

Cụ thể, Trà Vinh triển khai 10 dự án với nhiều tiểu dự án để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao mức sống, gồm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

[Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi]

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm.

Tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 90% ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế.

Giai đoạn này, tỉnh sẽ thực hiện nhựa hóa, bêtông hóa hoặc cứng hóa tối thiểu 205,89km đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân; xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung; xây dựng, cải tạo nâng cấp 18 chợ; xây mới, cải tạo, sửa chữa 13 trạm y tế xã; xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 8 trường phổ thông dân tộc nội trú.

Tỉnh cũng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về đất ở cho tối thiểu 95 hộ, nhà ở 1.030 hộ, đất sản xuất cho 5 hộ; chuyển đổi nghề cho hơn 571 hộ; nước sinh hoạt phân tán cho hơn 252 hộ; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tối thiểu 91 hộ...; đồng thời hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho ít nhất 433 người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở; bồi dưỡng kiến thức về chính sách dân tộc, công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Kiên Ninh, tỉnh Trà Vinh có dân số trên 1 triệu người; trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 31,5%.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, giai đoạn 2016-2020, Trà Vinh đã đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, địa phương để xây dựng 685 công trình hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế…

Tỉnh còn tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn các chương trình, dự án, vốn tài trợ của chính phủ nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ đầu tư xây dựng gần 600 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ yêu cầu dân sinh và phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh…

Ngoài ra, đồng bào Khmer trong tỉnh còn được thụ hưởng nhiều chính sách khác với tổng số tiền giải ngân hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, gần 4.000 hộ Khmer được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; trên 3.000 hộ được hỗ trợ đất ở, trên 3.600 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở; giải quyết việc làm cho trên 3.300 hộ.

Tỉnh cũng hỗ trợ hơn 1.500 hộ vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề; trên 15.000 hộ được hỗ trợ nước sạch sinh hoạt.

Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, năm 2021 tỉnh Trà Vinh giảm thêm 3.554 hộ nghèo, chỉ còn 1.650 hộ nghèo theo chuẩn nghèo này; trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer còn 779 hộ, giảm 2.084 hộ so với năm 2020.

Tuy nhiên, xét theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỉnh có 10.207 hộ nghèo (chiếm 3,56% tổng số hộ dân cư); trong đó có 6.483 hộ nghèo dân tộc Khmer, chiếm 7,19% hộ dân tộc Khmer trong tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục