Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển xã Trường Long Hòa và sự cố sụp, lún kè bảo vệ bờ biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, công trình kè bảo vệ bờ biển xã Hiệp Thạnh được đầu tư xây dựng từ năm 2008 nhằm chống sạt lở, bảo vệ sản xuất, tính mạng của người dân và tuyến đê biển xã Hiệp Thạnh.
Do chịu tác động của triều cường dâng cao, sóng lớn va đập mạnh, trực tiếp nên công trình này thường xuyên bị sụp, lún, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình.
Vào đợt triều cường đêm 17 và các ngày 18, 19/11, triều cường dâng cao kết hợp với sóng lớn, tuyến kè bảo vệ bờ biển xã Hiệp Thạnh đã bị sụp một vị trí diện tích 150m2, ngang 15m, xuống chân mái kè 10m, độ sâu sụp từ 0,5- 2m (vị trí cách cầu điện gió 500m về hướng Vàm Láng Nước) và lún 3 vị trí diện tích 182m2, lún sâu từ 10-20cm.
Tại những vị trí sụp, lún, các cấu kiện bêtông hình lục giác bị mất liên kết, lún võng xuống lớp cát nền tạo thành hố sâu hình lòng chảo và có khả năng phát sinh thêm.
Bến Tre: Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển ở Ba Tri
Ngoài 4 vị trí nêu trên, khe liên kết giữa các cấu kiện hình lục giác những khu vực này đang bị hở, vào đợt triều cường sắp tới có khả năng cuốn trôi phần cát nền dẫn đến mất liên kết giữa các cấu kiện gây sụp, lún ở vị trí khác.
Nếu không khắc phục, sửa chữa kịp thời, nguy cơ gây vỡ kết cấu công trình, mất an toàn cho tuyến kè, làm ảnh hưởng đến khoảng 50ha đất sản xuất và đời sống của 30 hộ dân địa phương.
Bờ biển xã Trường Long Hòa nằm trực diện với Biển Đông, chịu tác động trực tiếp của sóng biển nên thường xuyên xảy ra sạt lở, nhất là vào các mùa gió chướng, triều cường dâng cao tình trạng sạt lở xảy ra rất nghiêm trọng.
Mặc dù được đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở nhưng do chưa được đầu tư xây dựng toàn tuyến nên các đoạn chưa có kè đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng thêm với chiều dài khoảng 6,3km (đoạn từ chùa Thiền viện Trúc Lâm đến vàm Láng Nước), làm ảnh hưởng khoảng 35ha đất ở, 350ha đất canh tác, nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của hơn 478 hộ dân với 1.735 nhân khẩu và khoảng 130ha rừng ven biển nguy cơ bị mất nếu không có giải pháp bảo vệ.
Tình trạng sạt lở khu vực này đang làm mất an toàn, đe dọa đến các công trình hạ tầng trên địa bàn. Hiện nay, tuyến đường hành lang ven biển (công trình phục vụ nhiều mục đích, trong đó có phòng, chống thiên tai) đang bị sạt lở khoảng 3km; khu thực nghiệm nuôi thủy sản của Trường Đại học Trà Vinh đang bị hư hại các nhà sản xuất giống; trại giống thủy sản công nghệ cao Thông Thuận bị sụp đổ một số nhà khu sản xuất.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố sạt lở và sụp, lún kè gây ra, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thị xã Duyên Hải cắm biển báo, cảnh báo các khu vực sạt lở và sụp, lún; thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở, sụp, lún tại khu vực này để người dân biết chủ động phòng, tránh.
Địa phương bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, sụp, lún, thường xuyên báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đồng thời chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi sự cố sạt lở, sụp, lún uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của người dân...
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân thị xã Duyên Hải theo dõi diễn biến sạt lở, sụp, lún, sẵn sàng phương án ứng phó sự cố; thường xuyên cập nhật, báo cáo diễn biến sạt lở, sụp, lún đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời; tổ chức khảo sát, tham mưu, đề xuất giải pháp công trình và phi công trình xử lý sự cố này./.