Trong thời gian này, người dân Hà Nội có cơ hội trải nghiệm miễn phí công nghệ thực tế ảo (VR) để chiêm ngưỡng bản phục dựng 3D của chùa Diên Hựu (ngày nay được biết đến là Chùa Một Cột).
Hoạt động trải nghiệm sẽ kết thúc sau ngày 30/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Đây là một phần nội dung thuộc cuộc trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo.” Trải nghiệm không chỉ thu hút những các bạn học sinh, sinh viên mà còn cả người lớn tuổi và trẻ em.
Lần đầu được chiêm ngưỡng chùa cổ qua kính thực tế ảo, Hà Thị Hằng, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân thích thú về sự choáng ngợp trước không gian rộng lớn của công trình.
“Trải nghiệm này nên được nhân rộng nhiều nơi để giúp cho người trẻ như mình hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, không cảm thấy nhàm chán khi học trên trường,” Hà Thị Hằng chia sẻ.
Hào hứng trước lần đầu trải nghiệm công nghệ VR, chị Phạm Thu Hằng và con trai cũng đồng tình với ý kiến đó. “Thực ra lịch sử Việt Nam rất hay, nhưng các cháu chưa nhớ, chưa hiểu được do cách truyền đạt chưa hiệu quả. Tôi cho rằng công nghệ này nên được phát huy, cải thiện thêm để nâng cao hiệu quả giáo dục,” chị Hằng bày tỏ quan điểm.
Theo anh Nguyễn Duy, nhà thiết kế chính của dự án, cả nhóm mong muốn người Việt có cơ hội chiêm ngưỡng kiến trúc cổ thời Lý. Anh cũng cho biết sau nhiều phương án phục dựng, nhóm đã quyết định dựa trên kết quả khảo cổ của phế tích chùa Dạm và các tư liệu liên quan để tái cấu trúc chùa Diên Hựu theo đồ hình có trung tâm là tu di tòa (liên hoa đài có 6 cạnh).
Trọng tâm trưng bày là các tranh, phim 3D, sản phẩm công nghệ thực tế ảo, mô hình phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý được nhóm Sen Heritage gồm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và người yêu thích văn hóa cổ truyền Việt Nam, thực hiện trong 10 năm.
Trong đó, điểm nhấn là sản phẩm thực tế ảo VR-3D Chùa Một Cột - Diên Hựu. Tuy chỉ là sản phẩm công nghệ, nhưng các kiến trúc, tỷ lệ kiến trúc trong sản phẩm được xử lý tốt dựa trên nhiều tài liệu nghiên cứu giá trị.
Theo ban tổ chức, sản phẩm này vừa nhằm số hóa các mảnh di sản nhằm phục vụ việc lưu trữ dữ liệu, bảo tồn văn hóa, tái lập phế tích, quảng bá di sản văn hóa thời Lý đến với công chúng đương đại, đồng thời còn có thể ứng dụng trong công tác trưng bày bảo tàng, giáo dục di sản, quảng bá văn hóa truyền thống, điện ảnh, du lịch...
[Những di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận]
Bên cạnh đó, trưng bày còn có những hình ảnh về kiến trúc chùa Một Cột-Diên Hựu ở các giai đoạn khác nhau, các sản phẩm trưng bày phỏng theo các hiện vật cổ, tượng Phật...ở dạng giả đá, mạ vàng, mạ đồng.../.