Tiếng điện thoại ở đầu dây bên kia thông báo có một chú mèo tay bị gãy, vết thương hở rỉ máu bị bỏ rơi ở bên đường, bạn Trần Thu Huyền (sinh viên năm 4, khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) vội vã cùng người bạn ở trạm cứu hộ chó mèo mang theo dụng cụ cần thiết, di chuyển tới địa điểm.
Chỉ trong vòng 10 phút, máu đã được cầm, chú mèo đã qua được cơn nguy kịch. Huyền thở phào nhẹ nhõm vì vừa cứu được sinh mạng của “người bạn 4 chân.”
Ngôi nhà chung của những “người bạn 4 chân”
Vuốt nhẹ lên người chú mèo mới được vài tháng tuổi với bộ lông mượt màu trắng, Huyền chậm rãi kể về quá trình gắn bó với trạm cứu hộ này.
Vốn không phải người quá thích động vật, sau một vài lần được hoạt động với thành viên trong nhóm, Huyền lại thấy yêu và thương chúng, được góp một phần nhỏ để chăm sóc những “thú cưng” bị bỏ rơi.
“Lúc đầu mình tham gia chỉ vì muốn học hỏi thêm kinh nghiệm nhưng lâu dần gắn bó đã ăn sâu vào máu và rất thích được sinh hoạt cùng nhóm yêu động vật ở đây. Đến nay cũng đã ròng rã 2 năm tham gia trạm cứu hộ đem lại những ‘mái ấm’ mới cho động vật nhỏ,” Huyền tâm sự.
Được thành lập từ năm 2016 và đến nay vẫn luôn hoạt động rất tích cực, nhóm trạm cứu hộ động vật Học viện Nông nghiệp Việt Nam do một giảng viên trong trường thành lập và đã thu hút rất nhiều sinh viên các khoa tham gia. Điểm chung lớn nhất của các thành viên là đều có niềm yêu thương đối với những sinh vật nhỏ bé, muốn góp sức mình, giúp đỡ những “người bạn nhỏ” không phải chịu cảnh lang thang vì chủ bỏ rơi.
[Phát động chiến dịch 'nói không với nạn buôn bán thịt chó, mèo']
Trong căn phòng nhỏ rộng chừng 20m2 của một thành viên trong nhóm cho mượn để sử dụng, màu sơn tường vàng đã ngả màu hoen ố, Huyền bảo nơi này chính là phòng chăm sóc, khám chữa bệnh cho động vật. Dù điều kiện không thể sánh bằng các phòng khám thú y, tuy nhiên, Huyền và các thành viên luôn cố gắng chăm chút tốt nhất có thể cho các chú mèo hay chó bị thương tích, bị bỏ rơi.
Theo Huyền, các thành viên đều là những bạn sinh viên còn đang đi học nên lịch hoạt động của trạm cứu hộ không được cố định cụ thể mà phụ thuộc vào lịch học của từng người. Tuy nhiên, ai cố gắng thu xếp thời gian, luôn đảm bảo có tối thiểu 2-3 thành viên túc trực tại phòng chăm sóc chó, mèo.
“Chúng mình luôn cố gắng cân bằng thời gian để vừa học vừa tham gia công việc của trạm cứu hộ. Trước đây có nhiều bạn thành viên than thở bố mẹ không thích cho tham gia vì sợ mất nhiều thời gian và có phần nguy hiểm. Sau đó, ai cũng cố gắng sắp xếp sao cho phù hợp cũng như thể hiện tâm huyết, mong muốn được giúp đỡ những ‘sinh mạng nhỏ bé’ nên gia đình không còn cấm cản,” Huyền tâm sự.
Nhớ lại một kỷ niệm cứu hộ động vật, cách đây nửa năm, có một chú mèo mướp nhỏ bị bỏng do xăng, gia chủ nhìn thấy hơi thở yếu ớt nên đem mang ra đầu ngõ. Khi đó, một người hàng xóm đăng thông tin lên mạng, nhóm của Huyền tình cờ nắm được thông tin nên vội vã đến và tìm cách chữa trị vết thương cho mèo nhỏ.
Lúc đến, chú mèo gào kêu liên tục do một mảng da bị bỏng rộp bong ra nhìn thấy cả lớp mỡ dưới da, lông cháy xem nham nhở và hơi thở yếu ớt. Ngay lập tức, Huyền cùng một thành viên sơ cứu bằng cách bôi thuốc chống bỏng và băng bó tạm thời vết thương và mang về trạm cứu hộ chăm sóc.
“Do quá đau, mình phải bơm sữa cho chú mèo đó uống. Khi lim dim ngủ, đôi mắt mở nhỏ và chỉ nằm được một bên, không thể đảo thân người được do va chạm vết thương. Nhìn cảnh đó, trông nó thật tội. Nhờ được chăm chút, vài ngày sau, nó đã có thể vận động nhẹ và đúng một tuần có thể chạy nhảy. Lúc mình đến, nó sà vào người và đòi bế, ve vuốt bộ lông trông rất đáng yêu,” Huyền bộc bạch.
Nỗi lo kinh phí, nguồn thức ăn
Dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhóm trạm cứu hộ động vật Học viện Nông nghiệp cũng thừa nhận, số lượng chó mèo bị bỏ rơi ngày càng nhiều, vì vậy, nhóm làm việc vất vả hơn so với trước.
Mặt khác, nguồn kinh phí để duy trì hoạt động từ thức ăn, đồ đạc, hỗ trợ khám chữa bệnh nặng,... cho động vật cũng đang là vấn đề "đau đầu" với mỗi thành viên khi tài trợ từ các mạnh thường quân ngày càng hạn chế.
“Ngoài tiền kinh phí mọi thành viên đóng góp với nhau, chúng mình có xin hỗ trợ từ các cửa hàng thú nuôi, phòng khám... và cả tiền, đồ đạc từ mạnh thường quân. Do dịch bệnh nên hỗ trợ cũng ít hơn, cửa hàng trước cung cấp thức ăn cho chó mèo cũng đã đóng cửa hẳn nên hiện cũng chưa tìm được nguồn cung cấp thức ăn hợp lý,” Huyền bày tỏ sự lo lắng.
Đeo chiếc ống tai nghe để kiểm tra nhịp tim, mạch đập cho mèo, bạn Dương Thị Thùy Linh (sinh viên Học viện Nông nghiệp) cũng là thành viên của trạm cứu hộ cho biết lúc trước công việc ở trạm cứu hộ không quá khó khăn vì có nhiều thành viên thay phiên nhau trực. Thời gian gần đây, dịch bệnh rất căng thẳng nên nhiều bạn đã về quê, chỉ có thể hoạt động online các công việc như xin nguồn tài trợ hay báo tin nhận được cho nhóm trực.
[Sáng kiến đặc biệt đưa thú ‘về nhà’ ở Vườn quốc gia đầu tiên Việt Nam]
“Mình vẫn làm tại phòng chăm sóc nên sẽ gánh thêm cả phần việc của các thành viên khác nên khá bận rộn. Trước đây, mỗi người lo một lĩnh vực riêng, người thì kiểm tra, sơ cứu, sắp xếp thuốc,... thì bây giờ ai cũng phải bao quát hết. Có những hôm phải ở lại trạm đến hơn 22 giờ tối để chăm sóc cho chó mèo.”
Đối mặt với nhiều khó khăn vất vả nhưng Huyền, Linh và các thành viên trong nhóm chưa bao giờ có ý định ngừng hoạt động trạm cứu hộ bởi với suy nghĩ đơn giản không muốn động vật bị bỏ rơi lại như cách những người chủ trước từng làm. Khi đó, những chú chó, mèo thân yêu sẽ lại bơ vơ và rồi ai sẽ là người chăm sóc cho những ngày kéo dài kế tiếp.
Vừa dứt lời, Huyền và các bạn lại nhận được một cuộc điện thoại báo hỗ trợ gấp cần chăm sóc động vật. Đồng hồ đã điểm 21 giờ 10 phút. Tối nay, những thành viên trong nhóm lại rong ruổi trên đường để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cứu rỗi những "người bạn 4 chân”./.