Trang mạng của CSIS tại Mỹ bình luận sâu sắc về APEC 2017 ở Việt Nam

Bản chất không chính thức của Hội nghị thượng đỉnh APEC tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc đưa ra các cam kết đối với những nền kinh tế lớn, cả đa phương và song phương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân chụp ảnh chung với Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và Phu nhân. (Ảnh: TTXVN)

Trang tin cogitASIA của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Mỹ, ngày 8/11 đã đăng bài viết của tiến sỹ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh với nhan đề “Nghệ thuật cân bằng quan hệ: Cam kết của Việt Nam và Mỹ tại APEC 2017.”

Bài viết bình luận sâu sắc về APEC 2017 và những cam kết của Việt Nam, Mỹ nhân dịp Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự APEC 2017 và thăm chính Việt Nam.

Nội dung bài viết như sau:

Hiện nay, dư luận đang đổ dồn sự chú ý vào Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2017, diễn ra từ ngày 11 đến 12/11/2017, tại Đà Nẵng, nơi Việt Nam sẽ tận dụng vai trò nước chủ nhà của APEC 2017 để thúc đẩy các chương trình nghị sự của chính mình.

Bản chất không chính thức của Hội nghị thượng đỉnh APEC tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc đưa ra các cam kết đối với những nền kinh tế lớn, cả đa phương và song phương.

Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vài ngày sau khi nhậm chức, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhận thức được rằng họ cần thúc đẩy quan hệ song phương với Washington để duy trì sự chú ý của ông Trump đối với Việt Nam và lợi ích của nước này.

ổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 - CEO Summit 2017. (Ảnh: TTXVN)

Do đó, Việt Nam đã khéo léo kết hợp chuyến công du tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội.

Trong những năm gần đây, tình hình quốc tế có những thay đổi bất lợi cho Việt Nam. Nước láng giềng Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn về lập trường và hành xử ngày càng quyết liệt trong vấn đề Biển Đông.

Các quốc gia Đông Nam Á đang rơi vào "cuộc tấn công quyến rũ" do ảnh hưởng kinh tế và đầu tư từ Trung Quốc. Trong khi đó Mỹ dường như đã dần hình thành một chính sách biệt lập.

Việt Nam buộc phải điều chỉnh chính sách đối ngoại để thúc đẩy nền kinh tế dựa vào xuất khẩu cũng như bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình tại Biển Đông.

Cách tiếp cận sâu sắc này đã chính thức được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 2016.

Do đó, Việt Nam sẽ sử dụng vai trò chủ nhà của APEC 2017 để thúc đẩy việc định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam từ "một bên tham gia" sang “tham gia tích cực” vào các thoả thuận song phương và đa phương.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump có rất ít lời đề nghị trong chuyến công du dài ngày tới châu Á nhưng Việt Nam có thể nổi lên như một trong những quốc gia trong khu vực có thể cung cấp cho Mỹ nhiều hơn so với các nước khác.

Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ hơn các quốc gia Đông Nam Á khác trong mối quan hệ với Mỹ, nhất là ở lĩnh vực thương mại và an ninh. Xét về khía cạnh cam kết hợp tác, Việt Nam đã chứng mình rằng nước này ngày càng phù hợp với Mỹ.

[Trang mạng của Anh đưa tin đậm nét về APEC 2017 tại Việt Nam]

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Trump rút lại các chính sách so với người tiền nhiệm, Việt Nam cần tận dụng chuyến thăm đầu tiên của ông Trump đến nước này để đảm bảo các lợi ích của Việt Nam vẫn nằm trong tính toán của Mỹ đối với khu vực. Đây là một trong rất nhiều chuyến thăm cấp cao giữa hai nước kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Tháng Năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Mỹ. Hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện 2013, trọng tâm là thúc đẩy lợi ích thương mại và an ninh.

Tháng Tám vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã chia sẻ với người đồng cấp Mỹ Jim Mattis về nhu cầu cải thiện quan hệ quốc phòng dựa trên quan điểm chung về tự do hàng hải ở Biển Đông.

Chuyến thăm Việt Nam của một tàu sân bay Mỹ trong năm 2018 sẽ là một biểu tượng của hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Những cuộc tập trận chung với các quốc gia phương Tây thường không được đánh giá đúng vai trò, vì vậy chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ vào năm tới sẽ đánh dấu sự chuyển mình của Việt Nam như một bên quan trọng trong bàn cờ địa chính trị khu vực.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ở Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2017, ông Trump cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử đến thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống.

Những điểm đáng chú ý này mang một ý nghĩa đặc biệt đối với giới tinh hoa chính trị Việt Nam.

Tổng thống Trump đã thực thi nhiều biện pháp hạn chế chính sách "xoay trục sang châu Á" dưới thời cựu Tổng thống Obama, song vẫn nhấn mạnh sự cần thiết của tính liên tục trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Mặc dù vẫn còn bận tâm đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, điều có thể khiến ông Trump xao nhãng vấn đề an ninh Biển Đông, nhưng APEC 2017 sẽ là cơ hội cho Tổng thống Mỹ thể hiện quan điểm không hoàn toàn từ bỏ các thỏa thuận đa phương và các hiệp định thương mại quốc tế như ông đã từng đe dọa sẽ làm với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn Quốc (KORUS).

Việt Nam cũng là một nơi thích hợp để Tổng thống Mỹ trấn an các đồng minh châu Á rằng Trung Quốc sẽ không thể thay thế vị trí kinh tế của Mỹ ngay cả khi Mỹ rút khỏi TPP.

Quang cảnh hội nghị Bộ trưởng TPP. (Ảnh: TTXVN)

Về thương mại song phương, hai nước đã cho thấy mối quan hệ kinh tế được cải thiện to lớn kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.

Năm 1995, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam chỉ đạt 451 triệu USD, đến năm 2014, Việt Nam đã vượt Malaysia để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất của ASEAN vào Mỹ.

Thị trường Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2016, thâm hụt thương mại giữa hai nước trị giá 32 tỷ USD, thâm hụt thương mại lớn thứ sáu của Mỹ, so với 27 tỷ USD của Hàn Quốc.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Washington vào tháng 5/2017, Việt Nam đã ký các thỏa thuận thương mại trị giá 8 tỷ USD, dự kiến sẽ tạo ra hơn 23.000 việc làm cho người dân Mỹ. Thêm vào đó, đất nước Việt Nam với hơn 90 triệu dân cùng tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất Mỹ.

Cuộc gặp mặt sắp tới giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump được trông đợi sẽ tập trung vào những lợi ích mà Việt Nam có thể đem lại cho Mỹ để giữ cho cường quốc này tiếp tục duy trì sự hiện diện một cách thiết thực tại khu vực.

Về phần mình, Mỹ sẽ khôn ngoan chấp thuận những đề nghị này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục