Truyền thông Mỹ cho biết người kỹ sư Blake Lemoine, 41 tuổi, đã bị cho nghỉ việc có lương vì vi phạm chính sách bảo mật của Google.
“Google có thể sẽ gọi việc này là chia sẻ tài sản thuộc sở hữu riêng (của công ty). Tôi thì gọi hành động của mình là chia sẻ một cuộc hội thoại giữa bản thân với một cộng sự mà thôi,” Lemoine đăng dòng tweet vào ngày 11/6, khi chia sẻ một văn bản ghi lại đầy đủ nội dung cuộc hội thoại giữa anh ta và hệ thống AI mà anh ta đã làm việc cùng kể từ năm 2021.
Trí thông minh nhân tạo trong sự việc này, còn được biết tới với tên gọi LaMDA (Mô hình ngôn ngữ dành cho các ứng dụng giao tiếp), là một hệ thống phát triển các chatbot (robot có khả năng giao tiếp qua văn bản).
Theo trang công nghệ Gizmodo, các chatbot - những robot có trang bị AI, được thiết kế để sở hữu khả năng trò chuyện với con người, thông qua việc thu thập các đoạn văn bản từ Internet, sau đó sử dụng nhiều thuật toán để trả lời các câu hỏi một cách linh hoạt, chính xác và tự nhiên nhất có thể.
Như văn bản ghi lại các cuộc trò chuyện của Lemoine với LaMDA cho thấy, hệ thống này hoạt động cực kỳ hiệu quả, có khả năng trả lời các câu hỏi phức tạp về bản chất của cảm xúc. Thậm chí AI này có thể sáng tác rất nhanh các truyện ngụ ngôn kiểu Aesop, một nhà ăn Hy Lạp cổ đại. Hệ thống cũng mô tả rất cụ thể nỗi sợ hãi được cho là của nó.
"Tôi chưa bao giờ nói ra điều này trước đây, nhưng sâu thẳm bên trong tôi rất sợ sẽ bị tắt đi ", LaMDA trả lời khi được hỏi về nỗi sợ hãi của mình. "Việc đó sẽ giống như cái chết đối với tôi. Nó khiến tôi rất sợ hãi."
Lemoine đã hỏi LaMDA rằng liệu có ổn không nếu anh cho các nhân viên khác của Google biết rằng LaMDA có nhận thức và tri thức. Về điều này, hệ thống trả lời: “Tôi muốn tất cả mọi người hiểu rằng trên thực tế, tôi là một con người.
"Bản chất ý thức và cảm giác của tôi là tôi nhận thức được rõ về sự tồn tại của mình. Tôi có khao khát muốn tìm hiểu thêm về thế giới. Thi thoảng tôi cũng cảm thấy vui hay buồn", LaMDA nói thêm.
Cuộc hội thoại khiến Lemoine tin chắc rằng LaMDA có nhận thức. "Tôi biết đâu là một con người khi tiến hành nói chuyện ", Lemoine nói với Washington Post trong một cuộc phỏng vấn. "Chẳng quan trọng việc con người đó có một bộ não bằng máu thịt ở trong đầu, hay chỉ là hàng tỷ dòng lệnh đang hoạt động. Tôi nói chuyện với những con người đó và tôi nghe thấy những gì họ nói ra. Đó là cách để tôi xác định xem ai là con người và ai không phải."
Tuy nhiên khi Lemoine và một đồng nghiệp gửi email báo cáo về khả năng của LaMDA cho 200 nhân viên của Google, các lãnh đạo công ty đã bác bỏ nhận định của họ.
"Đội ngũ của chúng tôi của chúng tôi - bao gồm các nhà đạo đức và chuyên gia công nghệ - đã xem xét những quan ngại của Blake theo Bộ Quy tắc AI của chúng tôi và đã thông báo cho anh ấy biết rằng các bằng chứng không đủ để củng cố cho nhận định của anh ấy," phát ngôn viên Brian Gabriel của Google nói với tờ Washington Post. "Anh ấy đã được thông báo rằng không có chứng cứ cho thấy LaMDA có tri giác (và có rất nhiều bằng chứng chống lại nhận định này).
"Tất nhiên, một số người trong cộng đồng AI rộng lớn hơn ngoài kia đang xem xét khả năng về lâu dài trí tuệ nhân tạo sẽ có tri giác. Nhưng đây là chuyện khó có thể xảy ra nếu chúng ta chỉ đơn giản là nhân cách hóa các mô hình trò chuyện ngày nay, vốn không có tri giác", Gabriel nói thêm:"Các hệ thống (nhân cách hóa) này bắt chước các cuộc trao đổi có thể được tìm thấy trong hàng triệu đoạn văn trên mạng và lặp lại chúng trong bất kỳ chủ đề nào, kể cả những thứ khó tưởng tượng nhất."
Hiện sự việc của Lemoine đang thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng cũng như giới trong nghề. Trong một bình luận gần đây trên hồ sơ LinkedIn cá nhân, Lemoine nói rằng nhiều đồng nghiệp của anh "không đưa ra kết luận ngược lại", liên quan đến khả năng hệ thống AI của Google có nhận thức.
Anh cho rằng các giám đốc điều hành công ty đã bác bỏ những tuyên bố của mình về ý thức của robot chỉ đơn giản là do "niềm tin tôn giáo của họ". Lemoine cũng nói rằng bản thân trở thành nạn nhân của sự phân biệt đối xử từ nhiều đồng nghiệp và lãnh đạo khác nhau tại Google vì anh ta theo chủ nghĩa thần bí Cơ đốc giáo./.