Tranh cãi về điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ đầu vào đào tạo tiến sỹ

Theo Thông tư 18 vừa được Bộ GD&ĐT ban hành về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của đối tượng dự tuyển là có chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL iBT là 46 điểm.
Tranh cãi về điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ đầu vào đào tạo tiến sỹ ảnh 1(Ảnh minh họa: Minh Sơn/TTXVN)

Theo Thông tư 18 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của đối tượng dự tuyển là có chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL iBT là 46 điểm.

Đây là số điểm theo quan điểm của nhiều chuyên gia là thấp.

Cụ thể, theo Hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 cũng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, để được xét miễn thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi này, thí sinh cần đạt mức điểm TOEFL iBT tối thiểu là 45 điểm.

Theo đề án tuyển sinh năm 2021 của Đại học Ngoại thương, điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển cho các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và chất lượng cao là thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế TOEFL iBT từ 79 điểm trở lên.

[Quy chế đào tạo mới là bước thụt lùi, cơ hội cho 'các lò' tiến sỹ rởm]

Với các trường đại học ở tốp giữa như Đại học Thương mại, điều kiện tối thiểu để trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo hình thức kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho tất cả các ngành đào tạo là điểm TOEFL iBT từ 60 trở lên.

Với Học viện Ngân hàng, điểm nhận hồ sơ xét tuyển với chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL iBT là từ 72 điểm trở lên.

Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, mức điểm TOEFL iBT 46 với đầu vào đào tạo trình độ tiến sỹ là quá thấp và không phù hợp với quy định về yêu cầu trình độ đầu vào của đào tạo tiến sỹ phải tương đương trình độ ngoại ngữ B2 trở lên theo khung tham chiếu châu Âu. “Theo quy đổi của Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trình độ B2 phải tương đương 72 điểm TOEFL iBT,” giáo sư Nguyễn Đình Đức nói.

Tranh cãi về điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ đầu vào đào tạo tiến sỹ ảnh 2Bảng tham chiếu trình độ B2 với điểm TOEFL iBT trên website của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ. (Ảnh chụp màn hình)

Trong khi đó, tiến sỹ Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hà Nội lại cho rằng yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đầu vào ở quy chế 18 là phù hợp.

Cũng theo ông Thạch, quy định này giống quy chế về đào tạo trình độ tiến sỹ được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2017 với yêu cầu điểm TOEFL iBT 45 điểm trở lên. “Như vậy, nói yêu cầu về ngoại ngữ của Quy chế 18 năm 2021 thấp hơn so với quy chế cũ năm 2017 là không chính xác mà phải nói rằng, quy định thang điểm năng lực ngoại ngữ đầu vào tại Quy chế 18 cao hơn một chút so với quy chế cũ,” ông Thạch nói.

Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, bên cạnh việc quy định điểm TOEFL iBT 45, Quy chế 18 còn quy định nghiên cứu sinh phải có trình độ ngoại ngữ tương đương trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu và tương đương bậc 4 trong khung ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Đây là điểm không được quy định trong quy chế cũ và cũng là tham chiếu cho thấy việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy đổi trình độ B2 ra điểm TOEFL iBT 45 là không phù hợp.

“Theo công bố của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ, đơn vị tổ chức bài thi TOEFL iBT, trên website chính thức của đơn vị này, trình độ B2 tương đương với mức điểm TOEFL iBT là 72 điểm,” giáo sư Nguyễn Đình Đức lập luận.

Tranh cãi về điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ đầu vào đào tạo tiến sỹ ảnh 3So sánh yêu cầu về trình độ ngoại ngữ trong tuyển sinh trình độ tiến sỹ giữa quy chế năm 2017 và quy chế mới năm 2021.

Phản biện ý kiến này, tiến sỹ Phạm Ngọc Thạch cho rằng bảng so sánh này dựa vào trình độ tiếng Anh của các nước nói tiếng Anh là Vương quốc Anh, Australia, Canada và Hoa Kỳ. “Việc đòi hỏi ứng viên của Việt Nam đạt được mức điểm tối thiểu 72 theo thang điểm TOEFL iBT là chưa thực tế,” ông Thạch nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục